Thứ Năm | 04/12/2014 17:30

Arab Saudi sẽ không để giá dầu rơi tự do

Không chỉ sức ép kinh tế mà sức ép chính trị có thể sẽ buộc Arab Saudi hành động để ngăn đà giảm giá dầu.

Mặc dù Arab Saudi vẫn khá hài lòng với giá dầu hiện tại, nhưng nếu vì lý do chính trị, chưa cần kể đến lý do kinh tế, Arab Saudi có thể buộc phải can thiệp để ngăn dầu giảm giá hơn nữa.

Đó cũng chính là lý do tại sao kết thúc cuộc họp tuần trước, đại diện các nước OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nhiều nước trong nhóm OPEC cho rằng mình không có lý do gì phải cắt giảm sản lượng.

Sản lượng dầu hiện tại của Iran hiện thấp hơn hạn ngạch chung của khối do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, Iraq, vốn không phải áp dụng hạn ngạch sản lượng kể từ chiến tranh vùng VỊnh 1991, đang phải đấu tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và kiến thiết lại đất nước sau nhiều thập kỷ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Libya hiện tồn tại 2 chính quyền và chỉ sản xuất cầm chừng.

Không như vài năm trước, hiện tại, chỉ số ít quốc gia trong OPEC có dư dả ngân sách để có thể quyết định cắt giảm sản lượng, chấp nhận giảm nguồn thu. Hơn nữa, các nước trong khối không có sự tin tưởng lẫn nhau, do đó, họ không thể chắc chắn rằng các thành viên sẽ giữ đúng cam kết.

Ngược lại với các thành viên khác của OPEC, Arab Saudi vẫn chưa hề nao núng với đà giảm hiện tại của giá dầu nhờ họ có một vị thế kinh tế tương đối mạnh. Arab Saudi có dự trữ ngoại hối gần 750 tỷ USD, trong khi gần như không có nợ nần. Họ có thể ứng phó với giá dầu giảm để bảo vệ thị phần của mình, chờ thị trường tự điều chỉnh.

Quan trọng nhất có lẽ là kinh nghiệm của Arab Saudi cho thấy, những năm 1980 khi họ cắt giảm sản lượng dầu, họ đã mất thị phần đáng kể, song không tác động nhiều đến giá dầu quốc tế. Do đó, hiện giờ, họ không tin chắc rằng cắt giảm sản lượng có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ nhất bởi tỷ lệ sản lượng của Arab Saudi trong tổng sản lượng toàn cầu đang có xu hướng giảm chủ yếu do sản lượng của Mỹ tăng mạnh. Thứ hai, hiện nay không chỉ OPEC mà các nguồn cung khác cũng trở thành yếu tố nhạy cảm với giá dầu, nếu OPEC giảm sản lượng, nguồn cung thay thế sẽ bù đắp lại, do đó nếu cắt giảm phải mạnh hơn trước đó mới hy vọng cho cùng một kết quả như trước kia.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Arab Saudi có thể khoanh tay nhìn giá dầu rơi tự do hay không nếu các yếu tố cung cầu tiếp tục khiến giá giảm sâu hơn. Câu trả lời là “Không”.

Mặc dù tiềm lực kinh tế giúp Arab Saudi có thể ứng phó với các thách thức, họ vẫn cần quan tâm đến các yếu tố chính trị - điều khiến chính phủ Arab Saudi lo ngại khi giá dầu tiếp tục giảm.

Chính quyền Arab Saudi đủ nhạy cảm để biết dầu mất giá tác động thế nào đến tâm lý của người dân. Thậm chí cả khi Arab Saudi có thể ứng phó với suy giảm kinh tế, giá dầu giảm vẫn bị hiểu là hoàng gia đã mất kiểm soát thị trường dầu và dẫn đến những bất ổn lớn hơn.

Hơn nữa, hoàng gia Arab Saudi may mắn tránh được cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập vốn làm rúng động các nước trong khu vực chủ yếu nhờ chi tiêu công.

Arab Saudi đủ nhạy cảm để nhận ra giá dầu giảm có thể hạn chế các phúc lợi xã hội cho người dân, họ cũng sẽ phải lo ngại rằng bất cứ khó khăn tài chính nào của các hoàng gia láng giềng cũng có thể gây bất ổn chính trị cho cả khu vực. Bất ổn ở Kuwait, Oman và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) sẽ buộc Arab Saudi phải cân nhắc.

Hiện giờ tình hình chính trị của các nước này vẫn tương đối ổn định, tuy nhiên, kinh nghiệm từ cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập 2011 cho thấy, chỉ một sự kiện nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả lớn.

Nếu cung dầu toàn cầu tăng mạnh, trong khi nhu cầu giảm, chuẩn bị cho giai đoạn giá dầu giảm hơn nữa là điều hoàn toàn dễ hiểu. Và nếu OPEC hành động, thì chưa chắc đã thay đổi được cụ diện thị trường. Tuy nhiên, không nên loại trừ khả năng rằng sự can thiệp của Arab Saudi với những toan tính riêng thị trường khó đoán định.

Nguồn DVO/Bloomberg