Thứ Năm | 03/12/2015 11:02

Arab Saudi có thể bác đề xuất giảm sản lượng của OPEC

Arab Saudi và đồng minh vùng Vịnh sẽ bác lời kêu gọi giảm sản lượng của các thành OPEC khác, Iran cho biết 2 ngày trước khi Khối này họp tại Vienna.

Thống đốc OPEC Iran Mehdi Asali cho hãng thông tấn Shana của Iran biết rằng các nước vùng Vịnh không thể tự nguyện cắt giảm sản lượng nhưng cũng cho biết thêm phần lớn các thành viên OPEC sẽ ủng hộ việc giảm sản lượng.

OPEC được dự đoán sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách - do Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi đưa ra một năm trước - là giữ thị phần bằng việc bơm khối lượng dầu kỷ lục nhằm hắt cẳng các đối thủ có chi phí sản xuất cao hơn.

Tuy Arab Saudi có thể tuyên bố giành chiến thắng một phần trước sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ, song sản lượng dầu thô của Nga - đối thủ đáng gờm của OPEC - tiếp tục khiến Khối này ngạc nhiên trong khi các thành viên Iraq và Iran dự định sẽ tăng sản lượng và xuất khẩu dầu thô. Lượng dầu dự trữ toàn cầu đang đạt mức kỷ lục, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Iran cũng đề nghị OPEC tôn trọng trần mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng/ngày trong khi Venezuela cho biết sẽ yêu cầu giảm 5% sản lượng tại phiên họp vào ngày 4/12 tới.

Trong khi đó, 3 đại diện OPEC cho biết họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Khối này sẽ đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng vào phiên họp thứ Sáu tuần này.

Trong một diễn biến khác, sản lượng dầu thô và khí đốt trong tháng 11 của Nga bình quân đạt 10,779 triệu thùng/ngày, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Văn phòng CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga.

Tuy giảm nhẹ so với mức kỷ lục 10,782 triệu thùng/ngày của tháng 10, song con số này có thể cho thấy sản lượng có thể tăng lên trong tháng 12 khi thêm một giếng dầu mới đi vào hoạt động.

Sberbank - ngân hàng hàng đầu của Nga - nhận thấy không cơ hội nào về việc cắt giảm sản lượng trong phiên họp OPEC hôm thứ Sáu tới đây. Tuy nhiên, việc này sẽ mang lại cho các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cơ hội phòng hộ sản lượng và kéo dài thêm tình trạng khủng hoảng thừa cung thay vì có giải pháp cho vấn đề này.

Nhật Trường

Nguồn Reuters