API năm 2012 sẽ có doanh thu bất động sản, lợi nhuận dự kiến 15 tỷ đồng
Năm 2011 là năm thứ 4 liên tiếp API không có doanh thu bán hàng do các dự án bất động sản vẫn đang trong quá trình đầu tư. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 5,7 tỷ đồng chủ yếu nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính (14,7 tỷ đồng).
Cuối năm 2011, số lỗ lũy kế của công ty vẫn còn 61 tỷ đồng trên vốn điều lệ 264 tỷ đồng do hậu quả lỗ từ đầu tư tài chính năm 2008 (lỗ 99 tỷ đồng).
Năm 2012, API đặt kế hoạch doanh thu 58 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho biết dự kiến doanh thu từ các dự án bất động sản sẽ đạt 40 tỷ trong năm nay và mang lại lợi nhuận khoảng 12,5 tỷ đồng. Cụ thể dự án tại KCN Đa Hội có thể mang về doanh thu 16 tỷ, dự án TTTM &VP Thái Nguyên (16 tỷ) và dự án KDC Túc Duyên (8 tỷ).
Ông Nguyễn Duy Khanh, Tổng giám đốc công ty cho biết, hiện công ty đã có 35 tỷ đồng doanh thu bất động sản từ năm 2011, nhưng do chưa đủ điều kiện hạch toán nên sẽ chuyển sang năm 2012. Khoản doanh thu này mang lại lợi nhuận khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra theo ông Khanh trong hơn 1 tháng qua, công ty đã bán được hơn 10 tỷ doanh thu từ dự án KDC Túc Duyên – Thái Nguyên, lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi cổ đông về việc công ty có quy mô vốn nhỏ nhưng lại đầu tư quá dàn trải vào nhiều dự án. Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, hiện công ty có 12 dự án nhưng thực tế chỉ tập trung vốn cho 4 dự án (gồm 2 dự án Thái Nguyên, dự án KCN Đa Hội và dự án tại Bắc Ninh). Trong đó dự án tại KCN Đa Hội có giá trị XDCB dở dang lên 130 tỷ, chiếm 68%.
Đối với dự án tại Bắc Ninh, ông Lăng cho biết, công ty có kế hoạch chuyển nhượng lại do không tìm được phương án triển khai mang lại hiệu quả cao. “Chúng tôi kỳ vọng có thể thu về lợi nhuận khoảng 60% từ dự án này, đối tác hiện tại chỉ đề nghị mức giá với lợi nhuận khoảng 30 -40%” – Ông Lăng nói thêm. Năm 2010, nhờ việc bán dự án KCN Quế Võ mang về lợi nhuận 26 tỷ đã giúp công ty thoát lỗ.
Một cổ đông thắc mắc về các khoản đầu tư dài hạn lên đến 86 tỷ đồng, ông Lăng cho biết khoản đầu tư vào Nam dược (5,6 tỷ) đang được tìm đối tác để chuyển nhượng. Hiện API đã trích lập dự phòng 5 tỷ cho khoảng đầu tư này. Các khoản đầu tư vào công ty Vận tải biển và Hợp tác lao động (37 tỷ), công ty Đầu tư BĐS Hà Nội (40,3 tỷ) không được đề cập.
Về khoản tạm ứng lên đến 43 tỷ đồng, ông Lăng giải thích, đây là khoản chênh lệch giữa chi phí đề bù theo quy định và chi phí đề bù thực tế. “Ở một số dự án API phải đền bù với mức giá cao hơn nhiều so với mức giá mà nhà nước quy định do đó công ty phải hạch toán phân chênh này vào tài khoản tạm ứng” – Ông Lăng nói.
Đáng chú ý là API hiện không có bất kỳ khoản vay ngân hàng nào, ngoài ra còn có khoảng 25 tỷ đồng gửi tại ngân hàng đến thu lãi.
Nguồn CafeF/TTVN