APEC hướng tới thuận lợi hóa thương mại
"Mặc dù việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại đang gặp một số khó khăn, nhưng việc thúc đẩy và giảm chi phí thương mại vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của chúng tôi," Sun Yibiao, Thứ trưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phát biểu trước các quan chức trong cuộc họp đánh giá các bước tiếp theo, mà đỉnh điểm là với một cuộc họp của quan chức cấp cao APEC từ 21 quốc gia thành viên của khu vực vào ngày 13-14/8.
Ông John Larkin, Chủ tịch Ủy ban APEC về Thương mại và Đầu tư đã phát biểu: "Việc trì hoãn Hiệp định quả là đáng buồn nhưng công việc thuận lợi hóa thương mại của APEC vẫn tiếp tục… Nhiều yếu tố của Hiệp định như Hệ thống một cửa, doanh nghiệp ưu tiên và chuyển từ giấy tờ sang các quy trình điện tử là mục tiêu mà các nền kinh tế APEC đã và đang tiến hành về lâu dài".
Các nhà lãnh đạo khu vực đã mở đường cho các quốc gia APEC - khu vực chiếm một nửa tổng thương mại toàn cầu - làm việc với các thành viên khác của WTO tại Bali cuối tháng 12 vừa qua nhằm hướng tới một thỏa thuận về thuận lợi hóa thương mại. Sau khi ký kết Gói giải pháp Bali, trong đó có Hiệp định thuận lợi hóa thương mại, họ đã tập trung vào việc thực hiện từng chỉ thị từ các Bộ trưởng Thương mại APEC vào tháng 5 vừa qua.
Ông Larkin giải thích: "Các nền kinh tế đa dạng của APEC đang hoạt động trong một khuôn khổ chiến lược bao gồm việc công nhận lẫn nhau về kiểm soát, hỗ trợ thực thi và chia sẻ thông tin để cải thiện khả năng kết nối cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng… Chúng tôi đang xây dựng năng lực kỹ thuật trong khu vực để giảm các rào cản thương mại trong và ngoài quốc gia, ví như cải thiện hệ thống công nghệ thông tin, quản lý rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động".
Theo Bộ phận Hỗ trợ chính sách của APEC, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực APEC đã giảm 10% từ năm 2002 đến 2010 là nhờ các biện pháp đã được các quốc gia thành viên thông qua theo hai Kế hoạch hành động Thuận lợi hóa thương mại APEC. Các doanh nghiệp đã tiết kiệm được gần 60 tỷ USD - kết quả của việc cắt giảm chi phí tính riêng trong giai đoạn 2007-2010. Hơn nữa, theo báo cáo của WTO, thương mại toàn cầu có thể tăng lên đến 1.000 tỷ USD hàng năm sau khi thông qua Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại.
Nguồn Theo DVO/TCHQ