Thiên Phong Thứ Hai | 13/03/2017 12:30

Áp trần lãi suất ngắn hạn: Liệu có đáng lo?

Trần lãi suất đang dần trở nên minh bạch hơn, thay vì chồng chéo nhau.

Bắt đầu từ tuần này, những chính sách mới trong thông tư 39 với nhiều điểm đột phá đã đưa vào thực thi. Một trong số đó là việc trần lãi suất đang dần trở nên minh bạch hơn, thay vì chồng chéo nhau.

Nhiều năm nay, câu chuyện nghịch lý trần lãi suất được “tranh cãi” giữa Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2017, mức trần lãi suất tối đa được đặt ra là 20%. Nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay từ trước đến nay được áp theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người đi vay và thường thấp hơn con số này. Tuy nhiên, với những khoản đi vay bằng thẻ tín dụng, lãi suất người vay phải trả có thể lên đến 35%. Chưa kể đến những trường hợp vay tiêu dùng từ các công ty tài chính, lãi suất có thể lên đến 60%.

Thông tư 39 được xem là khung pháp lý chung mới nhất, điều chỉnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành, thay thế cho quy chế cho vay đã ban hành từ 16 năm trước, cùng 8 văn bản liên quan. Với thông tư này, các tổ chức tín dụng “chính thức” được thỏa thuận lãi suất theo tín hiệu thị trường, tức phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn, mức độ tín nhiệm của người vay như trước đây, trừ những trường hợp đặc biệt. Đó là các khoản vay đối với lĩnh vực ưu tiên và thứ hai là trường hợp cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính.

Trong giai đoạn kinh tế suy giảm 2009-2012, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích kinh tế, trong đó có việc giảm lãi suất đối với những lĩnh vực ưu tiên. Văn bản pháp lý gần đây nhất là Thông tư 08/2014, quy định áp mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng là 7% đối với các tổ chức tín dụng. Các lĩnh vực được ưu tiên lãi suất bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cũng có ngân hàng áp lãi suất cho vay tương đối thấp với các doanh nghiệp tốt, chỉ khoảng 5,5-6%/năm.

Ap tran lai suat ngan han: Lieu co dang lo?
 

Việc áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn với những lĩnh vực ưu tiên không có nhiều ý nghĩa, vì vốn dĩ lĩnh vực này đã được vay lãi suất thấp từ trước. Tuy nhiên, nếu như các ngân hàng ít chịu ảnh hưởng bởi quy định này thì các công ty tài chính lại là nhóm gánh chịu trực tiếp hệ quả của chính sách. Thời gian qua, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của mô hình cung cấp tín dụng tiêu dùng thông qua các công ty tài chính. Vốn được cung cấp cho cá nhân theo lãi suất thỏa thuận, song nhiều người vay và cả các chuyên gia đều phàn nàn rằng lãi suất quá cao. Vẫn chưa rõ mức trần lãi suất tối đa áp cho các công ty tài chính là bao nhiêu. Theo cơ quan quản lý, mỗi nhóm sản phẩm sẽ có mức trần riêng. Điều này phù hợp vì sản phẩm của các công ty tài chính rất đa dạng và có độ rủi ro khác nhau, từ điện thoại cho đến đồ gia dụng, hoặc những khoản vay tín chấp bằng tiền mặt. Theo đại diện các công ty cho vay tiêu dùng, lãi suất bình quân ước khoảng 45% với những khoản vay có giá trị nhỏ, kỳ hạn ngắn.

Dù định hướng tốt, nhưng hiệu quả cho vay của các lĩnh vực ưu tiên còn thấp vì chính các ngân hàng không mặn mà cho vay. Chẳng hạn, dư nợ của lĩnh vực nông lâm thủy sản, lĩnh vực được cho là trọng yếu của Việt Nam, chỉ chiếm 10% tổng dư nợ của nền kinh tế, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Còn tín dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chỉ chiếm 3% trong tổng dư nợ, theo số liệu của VCCI.

Rõ ràng, việc áp trần lãi suất phụ thuộc nhiều vào tổ chức tín dụng chứ không chỉ nhờ ý chí muốn hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Muốn đẩy dư nợ cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng buộc phải có dòng vốn giá rẻ, hoặc Nhà nước phải có quỹ riêng để hỗ trợ. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó, lựa chọn số 2 coi như đã không còn.

Với nhóm doanh nghiệp thường xuyên vay vốn, có yếu tố đáng lo ngại hơn là chi phí vốn bình quân mà các ngân hàng huy động trên thị trường đang có xu hướng tăng lên. Thời điểm sau Tết, các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động, theo đà tăng trước đó. Dưới áp lực tăng vốn từ các quy định an toàn mới như Basel II, nhiều ngân hàng chọn cách cơ cấu lại nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu. Hệ quả chung của những động thái này là chi phí vốn bình quân của ngân hàng tăng lên và hẳn nhiên phản ánh vào lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Ap tran lai suat ngan han: Lieu co dang lo?
 

Đã có những dự báo rằng tỉ giá sẽ lên mốc 24.000 VND/USD, tức tăng khoảng 4% so với hồi đầu năm. “Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị tiền đồng và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng”, báo cáo kinh tế năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định. Gần đây, lãi suất đồng USD tiếp tục xu hướng điều chỉnh tăng sau bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED), vào đầu tháng 3 năm nay. “Tiến trình thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ sẽ không chậm như các năm 2015 và 2016”, bà cho biết.

Mối lo ngại còn đến từ yếu tố lạm phát. Ngân hàng Nhà nước, trong phát ngôn chính thức của mình, đã đặt việc kiểm soát lạm phát là mối ưu tiên hàng đầu, thay vì tốc độ tăng trưởng. VEPR dự báo, lạm phát cuối năm có thể cán mốc 5,9%

Thiên Phong