Chủ Nhật | 22/09/2013 17:55

Áp thuế tự vệ dầu thực vật: Doanh nghiệp phải có sự liên kết

Từ ngày 7/9, Bộ Công Thương đã chính thức áp mức thuế tự vệ cho dầu thực vật và dầu nành tinh luyện nhập khẩu.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thuế tự vệ, một công cụ thương mại được phép sử dụng theo quy định của thương mại quốc tế.

Đây được đánh giá là một động thái tích cực của doanh nghiệp và Chính phủ để bảo vệ sản xuất trong nước trước làn sóng hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không hề đơn giản, bởi nếu không chuẩn bị kỹ thì chính doanh nghiệp Việt sẽ bị trả đũa.

Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã đại diện cho 5 doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước gửi đơn tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu. Lập luận của các doanh nghiệp trong nước đó là từ năm 2012 đến nay, họ bị ép phải hạ giá theo giá dầu ngoại, thay vì được quyết định bởi chi phí giá thành thực sự.

Nhận đơn yêu cầu của các doanh nghiệp từ cuối tháng 11/2012, sau 8 tháng điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã quyết định áp thuế tự vệ đối với dầu ăn nhập khẩu từ 0% lên 5%.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: "Đối với dầu thực vật thì sau khi thuế của mặt hàng này xuống còn 0% thì lượng dầu nhập khẩu gia tăng một cách đột biến. Đặc biệt năm 2011, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước thiệt hại lớn mà biểu hiện rõ nét nhất là công suất sử dụng của các doanh nghiệp tụt giảm, sản lượng giảm và thị phần giảm rất nhiều".

Tại các kệ siêu thị Big C Thăng Long, gần như 100% là dầu nội. Đại diện siêu thị cho biết, người tiêu dùng cũng không phải lo lắng về khả năng tăng giá dầu thực vật do dầu ngoại bị áp thuế tự vệ.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho rằng: "Bất cứ một chính sách thuế nào đều tác động đến giá cả, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Nhưng trong sản phẩm dầu ăn, tôi nghĩ nó không tác động đến mặt bằng giá bởi vì đa phần dầu ăn trên thị trường do doanh nghiệp sản xuất, nên tăng thuế với dầu ăn nhập khẩu thành phẩm thì không tác động đến mặt bằng thị trường".

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phòng vệ thương mại VCCI, Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhiều mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu và nhiều nước cũng muốn xuất vào Việt Nam ngay cả những mặt hàng đã bị kiện phá giá, trợ giá… vì vậy điều quan trong nhất là doanh nghiệp phải có sự liên kết

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu được xem là bước đi tiên phong trong việc chủ động đối phó với hàng nhập khẩu có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Hiện Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang trong thời hạn xem xét đơn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia...

Nguồn VTV


Sự kiện