KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục phải bán ngoại tệ trong những đợt tỉ giá biến động mạnh. Ảnh: TL.
Áp lực tỉ giá vẫn hiện hữu
Lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng
Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ can thiệp tỉ giá, đồng thời cung cấp thanh khoản thiếu hụt bằng việc bơm ròng trên thị trường mở. Thanh khoản hệ thống chịu nhiều áp lực nhưng đã diễn biến ổn định hơn vào cuối tháng.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), nền lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng với thanh khoản hệ thống bớt dồi dào đã khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân với mức tăng bình quân 15-25 điểm cơ bản ở kỳ hạn 12 tháng. Trong kịch bản tỉ giá không diễn biến quá xấu, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 75-100 điểm cơ bản do nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục vào cuối năm.
“Chúng tôi cho rằng, mức tăng này vẫn trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vốn là ưu tiên của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại”, KBSV nhận định.
Áp lực tỉ giá vẫn hiện hữu
Trong tháng 5, tỉ giá liên ngân hàng USD/VND diễn biến căng thẳng khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng bán ra của Ngân hàng Nhà nước tại 25.450 đồng, tăng khoảng 4,9% trong 5 tháng đầu năm. Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp bằng cách bán thẳng ngoại tệ với khối lượng tương đối lớn. Trong khi tín hiệu từ FED đã khả quan hơn và DXY hạ nhiệt nhẹ, tình hình trong nước lại không mấy khả quan khi tháng 5 nhập siêu 1 tỉ USD, dòng ngoại tệ còn chịu nhiều áp lực từ việc các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và doanh nghiệp xuất khẩu để tiền ở nước ngoài.
Số liệu từ báo cáo của KBSV, tỉ giá chợ đen tiếp tục tăng lên mức 28.855 đồng vào 31/5 trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao. KBSV cho rằng tỉ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ và DXY neo ở vùng cao. Do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải bán ngoại tệ trong những đợt tỉ giá biến động mạnh. Về dài hạn, dự báo tỉ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỉ giá hạ nhiệt vào cuối năm khi FED thực hiện việc hạ lãi suất. Theo đó, KBSV duy trì dự báo về mức tăng của tỉ giá là 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 VND/USD.
Theo CME, thị trường đang kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 51,3%, và có 2 đợt hạ trong năm nay. Những dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ dù vẫn ổn nhưng đang có dấu hiệu suy yếu, thước đo lạm phát ưa thích của FED (PCE) hạ nhiệt như kỳ vọng đang củng cố cho kịch bản này.
Ở thị trường Việt Nam, KBSV đánh giá dòng ngoại tệ sẽ chịu nhiều áp lực do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi xuất khẩu tăng trưởng chậm. Điểm tích cực là dòng vốn FDI vẫn ổn định (lũy kế 5 tháng giải ngân 8,25 tỉ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây). Chênh lệch giá vàng với thế giới cũng đã thu hẹp sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép SJC và 4 ngân hàng quốc doanh mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán trực tiếp cho dân, giảm bớt áp lực nhập lậu vàng.
Có thể bạn quan tâm