Nhiều lý do để kỳ vọng áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt trong thời gian tới. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Thứ Hai | 25/03/2024 13:13

Áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt ở tầm nhìn trung hạn

Sự chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa các giao dịch bằng VND và USD cũng là một yếu tố góp phần khiến USD tăng giá so với VND gần đây.

Mỹ ghi nhận số liệu kinh tế khả quan trong tháng 1 với tỉ lệ lạm phát tăng cao hơn dự kiến ở mức 3,1%, trong đó chỉ số giá nhà ở tăng cao. Về thị trường lao động, số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng lên 353.000 trong tháng 1, cao hơn nhiều so với mức ước tính của giới chuyên gia. Từ đó, chỉ số DXY tăng đều đặn lên mức cao nhất hàng tháng đạt 104,7 vào ngày 14/2/2024, gây áp lực khiến tỉ giá USD/VND tăng lên 24.425 đồng. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, mặc dù chỉ số DXY đã giảm dần kể từ mức cao nhất hàng tháng là 104,7, tỉ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng đi lên, đạt mức 24.648 vào ngày 29/2/2024, tăng 1,6% tính từ đầu năm. 

 

Đáng chú ý, tỉ giá chợ đen tăng vọt, thậm chí có thời điểm vượt quá mốc 25.500 đồng. Điều này cho thấy áp lực tỉ giá có thể đến từ dòng tiền đầu cơ vào các tài sản thay thế như tiền điện tử và vàng khi các loại tài sản này đều ghi nhận mức tăng giá kỷ lục gần đây.

“Trong khi dòng tiền đầu cơ đến từ thị trường vàng và tiền điện tử là một trong những yếu tố trọng yếu giải thích cho tỉ giá hối đoái tăng (đặc biệt là tỉ giá chợ đen), mức tăng 17,1% so với cùng kỳ của kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng dẫn đến nhu cầu USD cao hơn để thanh toán hóa đơn nhập khẩu. Hơn nữa, sự chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa các giao dịch bằng VND và USD cũng là một yếu tố góp phần khiến USD tăng giá so với VND trong thời gian gần đây”, VNDirect nhận định. 

 

Theo tổ chức này thông thường, khi tỉ giá tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp để điều tiết tỉ giá thông qua các công cụ chính sách tiền tệ. Lần này, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kho bạc, với mục tiêu ổn định tỉ giá, hạn chế tình trạng đầu cơ do hoạt động giao dịch vàng và tiền điện tử trên thị trường gần đây.

“Chúng tôi cho rằng động thái phát hành tín phiếu gần đây của Ngân hàng Nhà nước ít tác động đến nền lãi suất huy động và cho vay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn yếu. Tuy nhiên, chúng tôi rút lại kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay do FED trì hoãn việc cắt giảm lãi suất điều hành lâu hơn dự kiến; thị trường điều chỉnh kỳ vọng về việc FED hạ lãi suất từ 6 lần xuống còn 3 lần; áp lực lên tỉ giá hối đoái từ hoạt động đầu cơ vàng và tiền điện tử; và lãi suất tiền gửi đã giảm xuống mức rất thấp và có ít dư địa giảm thêm”, VNDirect nhận định. 

Mặc dù rủi ro tỉ giá vẫn hiện hữu trong ngắn hạn, VNDirect cho biết họ tin rằng áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt ở tầm nhìn trung hạn do FED sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm nay và việc Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành chính sách tiền tệ, cùng với dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỉ giá ổn định hơn. Cụ thể, kể từ đầu năm, trong khi VND mất giá so với USD 1,6% thì hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực ghi nhận mức giảm giá cao hơn như Nhân dân tệ (-1,2% tính từ đầu năm), Rupiah Indonesia (-2,1% tính từ đầu năm), Ringgit Malaysia. (-3,2% tính từ đầu năm) và Baht Thái (-3,8% tính từ đầu năm).

Có thể bạn quan tâm 

Góc nhìn chính sách sau quyết định của FED