Nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư. Ảnh: Quý Hòa.
Áp lực tỉ giá hạ nhiệt
Từ năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 11 lần tăng lãi suất và lãi suất đang chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Trong khi đó, ở Việt Nam, trong năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam và duy trì lãi suất cao của FED đã tạo ra một khoảng cách nhất định, gây áp lực lên tỉ giá.
Áp lực từ đà tăng của tỉ giá đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu từ cuối tháng 9 và tiếp tục duy trì phát hành cho đến hết tháng 10. Tính đến hết tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 200.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày qua kênh thị trường mở với lãi suất bình quân đạt 1%.
CPI tháng 10 của Mỹ thấp hơn so với dự báo. Nguồn: Investing. |
Tuy nhiên, áp lực tỉ giá đang có xu hướng hạ nhiệt đáng kể khi nhiều biến số vĩ mô dần tích cực. Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ 2022 và đi ngang so với tháng trước, mức thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia.
Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và 4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo của các chuyên gia ở mức 0,3% và 4,1% và cũng là mức tăng thấp nhất trong 2 năm qua. Chỉ số đồng USD giảm mạnh xuống mốc 104, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9 sau khi dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ thấp hơn dự báo.
Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng FED sẽ tiếp tục không nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 bởi loạt số liệu vĩ mô cân bằng như số liệu việc làm phi nông nghiệp, đơn trợ cấp thất nghiệp, PMI dịch vụ - sản xuất, giá dầu,...
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước nỗ lực trong việc điều tiết tỉ giá thông qua công cụ tín phiếu kỳ hạn ngắn. Tại những thời điểm đỉnh áp lực của tỉ giá, quy mô tín phiếu lên tới 260.000 tỉ đồng (vượt xa so với cùng kỳ năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước chỉ hút ròng 150.000 tỉ đồng thanh khoản). Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, áp lực này đang dần có tín hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư; nguồn đầu tư ngoại trực tiếp FDI kỷ lục; dự trữ ngoại hối giữ ở mức cao 93-95 tỉ USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ biến động giảm nhanh, giảm áp lực rút ròng dòng vốn đầu tư trên thị trường.
“DSC bảo lưu nhận định tỉ giá USD/VND biến động trong biên độ 24.000-24.500, tương đương độ trượt giá 3-3,5% từ đầu năm dưới lập trường sức mạnh đồng Dollar (DXY) trong pha điều chỉnh dài hạn. Với tín hiệu chững lại xu hướng tăng của tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước có cơ sơ để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bám sát các mục tiêu vĩ mô cho giai đoạn cuối năm 2023”, Báo cáo của DSC viết.
Có thể bạn quan tâm
Lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc VN30 "lên đỉnh, dò đáy"