Áp lực tăng vốn gần kề, ngân hàng chờ vốn ngoại
Trong một công bố hồi đầu năm, do Bloomberg dẫn lại, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tuyên bố năm nay sẽ cố gắng tăng mức trần tỉ lệ sở hữu ngân hàng, hiện ở mức 30%. Thông tin này thêm lần nữa làm dậy sóng thị trường ngân hàng. Những người theo dõi thị trường cảm thấy đoạn kết có hậu đang dần hiện ra sau nhiều năm mòn mỏi đề xuất, từ chính các ngân hàng, nhà đầu tư lẫn chuyên gia. Có lẽ trông chờ nhiều nhất trong lúc này là các ngân hàng, đặc biệt khi thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đang đến gần - ngày 1.9.2017. Các ngân hàng kỳ vọng vốn ngoại sẽ đổ vào nhiều hơn, nhờ động thái điều chỉnh tăng mức trần sở hữu, giúp họ hóa giải áp lực tăng vốn theo quy định Basel II.
Chờ vốn ngoại
Vietcombank đón nhận tin vui khi lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng trưởng đến 24%. Nhưng chưa kịp vui thì nỗi buồn lại đến, khi Ngân hàng vẫn chưa hoàn thành thương vụ gọi vốn 400 triệu USD từ nhà đầu tư GIC (Singapore). Tiếc nuối vì thương vụ này được trông đợi là hình mẫu đầu tiên để giải quyết bài toán gọi vốn ngoại của các ngân hàng theo yêu cầu của Basel II. Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, GIC và Vietcombank công bố thỏa thuận mua lại hơn 308 triệu cổ phần, tương đương với tỉ lệ sở hữu 7,7% khi Vietcombank tiến hành tăng vốn.
Dù vậy, đến đầu năm nay, Chính phủ đã tuyên bố sẽ chưa thực hiện thương vụ này vì không được giá. Giá cổ phiếu của Vietcombank ở thời điểm đó là 55.000 đồng/cổ phiếu, còn giờ là 35.000 đồng/cổ phiếu. Lý do giảm vì Ngân hàng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 35%. Khi đó, đã có những thông tin bên lề cho rằng thương vụ khó diễn ra vì giá cổ phiếu VCB của Vietcombank ở mức quá cao sẽ khiến đối tác nghi ngại. “Vietcombank chỉ muốn giá cổ phiếu trên sàn giảm để bán được vốn”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, chia sẻ tại Hội nghị triển khai kinh doanh đầu tháng 2. Theo ông Thành, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn xếp hàng chờ vì chưa thỏa thuận được giá; ngân hàng này đang chờ đợi hướng giải quyết từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Gần đây nhất là thông tin Sacombank đang có đối tác ngoại sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ USD mua lại cổ phần, theo chia sẻ của ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, sau khi ngân hàng này được xướng tên là ngân hàng phải tập trung tái cấu trúc hồi đầu năm. Sở hữu mạng lưới rộng lớn và thương hiệu mạnh trong khối ngân hàng tư nhân, không quá khó hiểu khi Sacombank được khối ngoại để ý. Dù vậy, con số 1 tỉ USD nếu có thực thì quả là ấn tượng, vì lớn hơn đến 20% so với quy mô vốn hiện nay của Sacombank.
Đợi mở room
Hơn ai hết, bản thân các ngân hàng cũng nóng lòng chờ mở room để gia tăng nguồn lực của mình. Trong số này, VietinBank hẳn cảm thấy sốt ruột, khi tỉ lệ sở hữu khối ngoại đã đạt mức trần. Ngược lại, BIDV chưa có cổ đông ngoại, trong khi Vietcombank chỉ mới đạt con số 15%.
Mở đến đâu cũng là điều cần được bàn đến và tính toán thận trọng. VietinBank, BIDV, Vietcombank được nhắc đến với con số 35%. Trong kỳ đại hội cổ đông năm ngoái, các ngân hàng cũng đề nghị trong khoảng 35-40%. Phía các ngân hàng tư nhân thì “rộng rãi” hơn, có thể lên đến 100% tùy trường hợp. Cần nhớ rằng theo Luật doanh nghiệp, cổ đông sở hữu hơn 35% cổ phần có quyền phủ quyết chính sách. Nếu có cổ đông ngoại chiếm tỉ lệ chi phối, những động thái này dễ bị đụng chạm lợi ích lẫn nhau bởi những ngân hàng lớn đôi khi còn thực hiện chức năng điều tiết thị trường theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, việc nâng trần tỉ lệ sở hữu không phải là cách thức đảm bảo cho việc tìm được người mua. Vào năm 2014, GPBank đã thỏa thuận bất thành với đề xuất mua lại của Ngân hàng UOB. Điều này cũng hàm ý rằng Ngân hàng Nhà nước dù rất mong muốn nhưng cũng kiên quyết không bán rẻ những đứa con của mình.
Cũng có ý kiến khác cho rằng các nhà quản lý đang chờ ngân hàng “đẹp” lên, tức tài sản phục hồi đến một mức độ nào đó rồi mới bán để được giá hơn, đồng nghĩa với việc ngân sách thu về nhiều hơn. Năm ngoái, bản thân các ngân hàng cũng “đụng độ” lợi ích với ngân sách, khi VietinBank và BIDV đề nghị giữ lại cổ tức để tăng vốn chứ không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Hiện tại, cơ quan điều hành vẫn tỏ ra “đủng đỉnh” trước những lời chào mua. Áp lực tăng vốn đã gần kề, nhưng cũng cần nhớ rằng, từ trước đến nay cơ quan quản lý đã nhiều lần lùi thời hạn áp dụng chính sách.
Thiên Phong