Thứ Tư | 03/04/2013 10:36

Áp lực tăng trưởng dồn lên 3 quý cuối năm

Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quy luật GDP quý I tăng trưởng thấp do đầu tư thấp, gây áp lực cho những quý còn lại trong năm.
Theo TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn, tốc độ tăng GDP quý I năm nay là chấp nhận được, mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 và 2010 (tăng tương ứng là 5,53% và 5,84%), nhưng đã cao hơn so với quý I/2012 (GDP tăng 4,64%).

TS. Trần Kim Chung cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng GDP quý I năm sau luôn thấp hơn quý III, IV năm trước, trong đó, nguyên nhân cơ bản là, tốc độ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm (nhất là quý I) thường thấp hơn 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, TS. Trần Kim Chung lưu ý rằng, các chính sách của quý I/2012 là thắt chặt, trong khi quý I/2013 là hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư ngay từ đầu năm, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư từ khu vực nhà nước.

Về những rào cản nào cản trở việc đầu tư của nền kinh tế, TS Chung cho rằng, hiện có 4 nhóm rào cản chủ yếu đối với đầu tư của kinh tế Việt Nam, gồm: tư duy, chủ trương phát triển kinh tế; tổ chức hệ thống kinh tế; các yếu tố đầu vào của sản xuất; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư.

Chỉ cần đề cập nhóm rào cản xuất phát từ tổ chức hệ thống kinh tế đã thấy có rất nhiều vấn đề cần phải xử lý, như cơ chế phân cấp chưa hợp lý, nên chưa chưa tạo động lực để các địa phương phát huy các thế mạnh riêng; phân cấp dựa trên địa giới hành chính xuống đến tận cấp huyện, cấp xã, nhưng lại chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ cán bộ thực hiện quản lý đầu tư…

Để khắc phục tình trạng trên, theo TS Chung, tất cả công trình, dự án, đặc biệt là thuộc nguồn đầu tư công, cần được đầu tư đúng hạng mục, đúng thời điểm. Theo đó, trong vòng 3 - 5 năm tới, cần thực hiện những giải pháp có tính trực tiếp, trực diện, như thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia; quyết định đầu tư phải trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn;

Đồng thời, áp dụng các chế tài buộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư; tập trung đầu tư vào một số dự án trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa đến nền kinh tế… Ngoài ra, cần ban hành Luật Đầu tư công, Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn.

Trước mắt, phải tăng cường tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư từ tất cả các nguồn, triển khai mạnh Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ; triển khai thực hiện triệt để Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ và Chỉ thị về việc loại bỏ những rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nguồn Đầu tư


Sự kiện