Áp lực tăng tín dụng cuối năm
Nếu so với mức tăng trưởng 2,98% của 5 tháng đầu năm thì tín dụng trong tháng 6 chỉ tăng nhẹ 0,2%, đưa tín dụng của 6 tháng qua lên khoảng 3% so với cuối năm 2012; trong đó tín dụng VND tăng 5,48%, ngoại tệ giảm 8,41%.
Theo mục tiêu tăng trưởng 12% của năm nay thì 6 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng trung bình 1,5% - một con số không đơn giản trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dù tăng trưởng chưa cao nhưng cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển tốt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể như cho vay "tam nông" tăng 4%, vốn cho xuất khẩu tăng 5,74%, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tăng 1%, và công nghiệp hỗ trợ tăng 0,02%. Vì thế, bỏ vốn vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn là hướng đi được lựa chọn để đảm bảo tăng trưởng cho cả năm.
Theo thông lệ, quý III và IV mới là thời điểm đẩy nhanh giải ngân vốn của các ngân hàng thương mại do nhu cầu đầu tư cho sản xuất- kinh doanh của DN tăng cao. Các ngân hàng đang kỳ vọng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội cộng với các chương trình hỗ trợ DN, cho vay cá nhân với lãi suất ưu đãi đang được nhiều ngân hàng triển khai sẽ giúp tín dụng trong tháng 7 và những tháng tiếp theo tăng ổn định.
Hiện nay, lãi suất huy động và cho vay đều đang xuống thấp, cao nhất đối với lãi suất huy động là 8,5% đối với trung và dài hạn, không quá 7,5%/năm đối với lãi suất ngắn hạn; lãi suất cho vay mới cũng về mức 10%/năm, các khoản vay cũ cũng đã được kéo về mức lãi suất thấp, từ 10-13%/năm. Đây chính là yếu tố thuận lợi để DN dễ tiếp cận vốn và ngân hàng tăng được dòng tiền ra.
Cần "nới" chính sách vĩ mô
Thừa nhận mục tiêu của 6 tháng cuối năm đảm bảo được mức tăng tín dụng 9% là áp lực lớn của ngành ngân hàng, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng khá lạc quan khi nhận định có nhiều cơ sở đề hoàn thành mục tiêu này. Theo đó, giải pháp trước hết vẫn là quyết liệt trong xử lý nợ xấu, việc sớm đưa Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào hoạt động sẽ giúp quá trình cơ cấu các khoản nợ của hệ thống ngân hàng được nhanh hơn, khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế.
Về vĩ mô, đại diện ngân hàng thương mại cho rằng cần có chính sách kích cầu, "nới" đầu tư công để gia tăng tổng cầu, tạo đòn bẩy cho một số ngành chủ lực như xây dựng phát triển, từ đó kích thích các ngành sản xuất khác.
Tổng Giám đốc Tienphong Bank- ông Nguyễn Hưng - cho rằng, nếu những ngân hàng có quy mô nhỏ mà đã tái cơ cấu xong, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thì nên được "nới" tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng chung 12% của toàn ngành.
Điều này không chỉ giúp ngân hàng thương mại đảm bảo kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, có vốn cho DN mà còn góp phần vào tăng tín dụng chung của toàn ngành.
Ở một góc độ khác, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng đề xuất, nên xem xét giảm lãi suất huy động xuống 6% để có cơ sở giảm lãi suất tiền vay, từ yếu tố này cộng với các chính sách vĩ mô như đẩy mạnh đầu tư công, tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho… sẽ giúp tín dụng những tháng cuối năm tăng trưởng tốt.
Nguồn Báo Công thương