Áp lực mất giá của VND trở nên mạnh hơn kể từ đầu quý II/2024 khi xuất khẩu tăng tốc, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp FDI gia tăng. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Ba | 14/05/2024 17:36

Áp lực lên tỉ giá sẽ không quá căng thẳng trong những tháng tới

Duy trì được thặng dư thương mại dương với nền lãi suất VND phù hợp sẽ hỗ trợ cho bài toán tỉ giá.

Dữ liệu thị trường cho thấy, các nhà đầu tư và giới nghiên cứu hiện kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 12/2024. 

Trong cuộc họp định kỳ đầu tháng 5/2024, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong hai thập kỷ. Lạm phát dai dẳng và tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ (quý I/2024) thấp hơn dự kiến khiến nền kinh tế Mỹ xuất hiện những lo ngại về nguy cơ đình lạm (tăng trưởng thấp + lạm phát cao). Báo cáo việc làm mới nhất cũng cho thấy dấu hiệu hụt hơi của nền kinh tế.

Nguồn: ACBS.
Nguồn: ACBS.

Tuy nhiên FED nhấn mạnh mục tiêu "hạ cánh mềm" cho thấy chính sách hiện tại của FED là đang nỗ lực trong việc cân bằng lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Đáng lưu ý, FED tiếp tục nhấn mạnh sẽ không có một đợt tăng lãi suất nào nữa. Bên cạnh đó, FED cũng công bố kế hoạch giảm tốc độ hút tiền thông qua việc giảm quy mô bán danh mục trái phiếu Chính phủ Mỹ từ 60 tỉ USD/ tháng xuống còn 25 tỉ USD/tháng, một hành động tương đương với việc nới lỏng tiền tệ nhẹ.

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), thực trạng FED hạ lãi suất muộn và mức độ hạ lãi suất thấp hơn nhiều so với các dự báo đầu năm đã tạo áp lực về tỉ giá và lãi suất lên hầu hết các đồng tiền khác, VND không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, áp lực mất giá của VND trở nên mạnh hơn kể từ đầu quý II/2024 khi xuất khẩu tăng tốc, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp FDI gia tăng, động lực bán USD của các doanh nghiệp này chưa có vì chênh lệch lãi suất USD/VND còn lớn. Cùng với đó, giá vàng trong nước tăng cao cũng tạo thêm áp lực tỉ giá.

 

Một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VND trên thị trường liên ngân hàng thông qua kênh phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay, đẩy nền lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên mức xấp xỉ với lãi suất USD…đã hỗ trợ tỉ giá ổn định ở ngưỡng hiện tại. Theo đó, USD tăng gần 5% kể từ đầu năm so với VND.

“Chúng tôi cho rằng, áp lực lên tỉ giá chưa thể tháo bỏ, nhưng không quá căng thẳng trong thời gian tới. Lý do lớn nhất là chênh lệch lãi suất đã được giảm thiểu và sẽ kích thích các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu bán ra nguồn USD.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại đang có dấu hiệu giảm dần trong tháng 4/2024 khi nhập khẩu tăng tốc. Vì vậy, duy trì được thặng dư thương mại dương với nền lãi suất VND phù hợp sẽ hỗ trợ cho bài toán tỉ giá”, ACBS nhận định. 

Về mặt bằng lãi suất, ACBS cho rằng lãi suất có khả năng tăng vào cuối quý II để giảm bớt đà tăng của tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp đồng bộ các công cụ: phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay, sửa đổi quy định giá ngoại tệ kỳ hạn… tuy nhiên, dư địa của các công cụ này có giới hạn. Trong trường hợp tỉ giá tiếp tục căng thẳng, ACBS cho rằng, lãi suất huy động dân cư sẽ tăng trở lại, dù mức tăng không  lớn do cầu tín dụng còn yếu.

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng với giá tham chiếu 88 triệu đồng/lượng