Ảnh minh họa: Qúy Hòa.
Áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong thời gian tới
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ, các ngành, các cấp trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua. Sự cân đối sản xuất trong nước cũng như việc kiểm soát tăng giá bằng các chính sách hiệu quả, thiết thực đã không gây áp lực lên nguồn cung.
CPI tháng 3/2022 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,7% so với tháng trước chủ yếu do nhóm giao thông tăng mạnh dưới ảnh hưởng của đà tăng giá xăng dầu thế giới, trong ngắn hạn bị thúc đẩy mạnh hơn bởi căng thẳng Nga - Ukraine, ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh so với tháng trước khi nhu cầu xây dựng và giá vật liệu xây dựng tăng. Ở chiều giảm, chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá trong tháng 3.
Trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng áp lực từ giá xăng dầu có thể giảm nhẹ hơn nhờ căng thẳng Nga - Ukraine có khả năng hạ nhiệt sau những lần thương lượng và Chính phủ đã có những động thái giảm các loại thuế phí lên giá xăng dầu tạm thời. Tuy nhiên, trong trung hạn rủi ro giá dầu vẫn duy trì mức cao do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao cho sự hồi phục kinh tế sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, Yuanta Việt Nam cũng không loại trừ kịch bản căng thẳng Nga - Ukraine có thể gia tăng trở lại.
“Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong thời gian tới, tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng lạm phát vẫn trong mục tiêu dưới 4% do tỉ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước phát triển nên sẽ chịu áp lực ít hơn các nước này”, Yuanta Việt Nam nhận định.
Nguồn: VNDirect. |
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong thời gian tới ngoài đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, Yuanta Việt Nam cho rằng cốt lõi vẫn đến từ việc triển khai Chương trình hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, đặc biệt các dự án hạ tầng công mà theo kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4 hoặc tháng 5 tới.
Theo đó, công ty chứng khoán này điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6,29%, giảm so với mức dự báo 6,39% tại cuối năm 2021, sau những căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá cả hàng hóa nguyên liệu tăng cao và rủi ro gia tăng lạm phát, với kỳ vọng xung đột Nga - Ukraine sẽ không leo thang nhiều hơn nữa và tỉ lệ lạm phát ở mức 3,6%.
Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nền tảng kinh tế vẫn vững chắc với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,9% trong quý I/2022, cho thấy lạm phát đã được kiểm soát tốt. Kiểm soát thành công lạm phát ở mức thấp tạo dư địa để Việt Nam duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong những quý tới.
Có thể bạn quan tâm