Ảnh: Tạp chí Tài chính.

 
Phạm Ngọc Trường (*) Thứ Tư | 06/03/2019 17:45

Áp lực lạm phát giảm tạo dư địa nới lỏng tiền tệ

Rủi ro lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước năm 2019 đã được phần nào giảm bớt.

Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 02 năm 2019. Theo đó, các chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức độ vừa phải. CPI tháng 02 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 02 tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đóng góp cao nhất vào mức tăng chung của CPI trong tháng 02 đó chính là sự tăng giá của nhóm ăn uống và dịch vụ khi chỉ số giá nhóm này tăng 1,73% so với tháng 01 (phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết Nguyên đán).

Ap luc lam phat giam tao du dia noi long tien te
 

Ở một bức tranh rộng hơn, dễ thấy áp lực lạm phát đang giảm dần đặc biệt là kể từ tháng 10 năm 2018 khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh tác động làm giảm chi phí các mặt hàng, dịch vụ khác. Mặc dù vừa có công bố tăng nhẹ giá xăng bắt đầu từ 15h ngày 02/03/2019, giá xăng E5 RON 92 đã giảm từ 20.906 đồng (10/2018) xuống mức 17.210 đồng/ lit ở mức hiện tại (tương đương 17,7% trong hơn 4 tháng). Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI ngọt, nhẹ giao tháng 04 giảm từ mức 76,4 USD/thùng về mức quanh 55USD/thùng (tương đương 28%) là nguyên nhân chính tác động làm giảm giá xăng dầu trong nước.

Trong bối cảnh có sự căng thẳng nhất định trong việc điều hành chính sách tiền tệ tại nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn thế giới khi FED liên tục tăng lãi suất trong năm 2018, Việt Nam cũng không thể nào đứng ngoài khi áp lực lạm phát bất ngờ tăng cao vào Quý 3 năm 2018. Thời điểm đấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 06 đã tăng lên mức 4,67% so với cùng kỳ năm 2017. Để củng cố giá trị đồng nội tệ, các Ngân hàng trung ương thông thường sẽ phải tăng lãi suất điều hành để huy động lượng tiền từ dân cư đồng thời giảm bớt cung tiền nhằm hỗ trợ kiềm hãm lạm phát. Và điều này, với chi phí vốn cao (lãi suất tăng), tăng trưởng các doanh nghiệp có thể sẽ bị tác động theo hướng chậm lại, góp phần tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Nhiều báo cáo phân tích, nhận định của các chuyên gia hầu hết nghiêng về xu hướng chính sách tiền tệ giảm nới lỏng trong năm 2019 và tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại.

Ap luc lam phat giam tao du dia noi long tien te
 

Tuy nhiên, với những động thái mới nhất như FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2019 (tại phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện ngày 26/02, chủ tịch FED Jerome Powell đã phát biểu “những dòng nước ngược và tín hiệu xung đột đã làm yếu khả năng tiếp tục tăng lãi suất và khiến triển vọng kinh tế tích cực trở nên bớt chắc chắn”); giá các loại hàng hóa cơ bản trên toàn thế giới duy trì thấp và chi phí y tế giáo dục vốn đã tăng mạnh trong hai năm 2017, 2018 có thể chậm lại, rõ ràng rủi ro lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước năm 2019 đã được phần nào giảm bớt.

Đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành lấy ý kiến cho cho dự thảo về việc giảm dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng ngày 01/03 tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cũng đã chỉ đạo:  “Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay trong tháng 3 và quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đặt ra mục tiêu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 là kiểm soát chỉ số này dưới 4%. Với những quyết tâm này, kỳ vọng chính phủ tiếp tục thực hiện hỗ trợ kinh tế, thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tăng trưởng kinh tế đạt mức mục tiêu 6,6 – 6,8% của Quốc hội trong năm 2019.

(*) Thạc sỹ kinh tế Viện đào tạo Quốc tế Đại học kinh tế TPHCM.