Cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra nếu thanh khoản vẫn eo hẹp và sức ép lạm phát tiếp tục tăng. Ảnh: Quý Hòa.

 
Lam Hồng Thứ Hai | 02/05/2022 07:30

Áp lực của lãi suất

Lãi suất huy động có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và mở rộng sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Từ cuối tháng 3/2022 có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm phần trăm/năm. Xét về mức lãi suất huy động cao nhất, không ít ngân hàng đã vượt qua 7%/năm, thậm chí tiến gần tới 8%/năm. Đây là xu hướng diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước luôn duy trì trạng thái bơm tiền ra thị trường. Mặc dù vậy, lãi suất cho vay liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trên 2%/năm, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra nếu thanh khoản vẫn eo hẹp và sức ép lạm phát tiếp tục tăng. Dòng tiền gửi đang quay trở lại ngân hàng khi lãi suất ngày càng hấp dẫn và các kênh đầu tư như nhà đất, chứng khoán... trở nên rủi ro hơn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng 2, đạt 5,46 triệu tỉ đồng, tăng hơn 56.400 tỉ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỉ đồng so với cuối năm 2021 (tăng 3,01%). Trong khi người dân gửi ròng thì các doanh nghiệp lại có xu hướng rút dần tiền gửi để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổ chức doanh nghiệp đã rút ròng khoảng 8.800 tỉ đồng.

Các dòng tiền cho thấy nhu cầu vốn của ngân hàng tăng vì nhiều lý do. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lạm phát tháng 4/2022 sẽ tăng từ 0,3-0,4% so với tháng trước và tăng 2,21-2,31% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 
 

 

Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường. Không những thế, kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một siết chặt, khiến áp lực vay vốn dồn sang ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, nhưng đến hết tháng 3, tăng trưởng tín dụng đạt 5% và tính đến ngày 19/4 ước đạt 6,4%.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của Đại học Kinh tế Quốc Dân, việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát khiến cho dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn, tác động đến dư địa điều hành chính sách trong nước. 

Trong khi đó, những rủi ro bất ổn trong nước vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là sức ép lạm phát đến từ cả yếu tố chi phi đẩy và cầu kéo. Do đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% nhưng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó đạt được.

“Với áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo, cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong cả năm 2022”, nhóm nghiên cứu của VCBS dự báo.

 

Trong bối cảnh đó, dự báo có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Nhất là vào thời điểm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh như xăng dầu, nguyên vật liệu đều đã tăng cao. Trong khi đó, gói hỗ trợ vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Vì vậy, lãi suất cho vay tăng có thể khiến gói kích thích kinh tế vừa được Chính phủ ban hành mất tác dụng, cho dù doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất vay. 

“Nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ cản trở phục hồi”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng, cho đến hiện tại, việc lãi suất huy động tăng vẫn chưa tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. 

Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp định hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch là mục tiêu xuyên suốt. Ngân hàng Nhà nước đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. “Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hòa chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí”, ông Lực nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, biến động của dòng tiền chảy vào ngân hàng cho thấy một loạt động thái từ phía cơ quan quản lý ngăn lĩnh vực rủi ro tăng nóng đã có hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.