Thứ Sáu | 24/08/2012 15:35

Áp lực bán giải chấp trên thị trường chứng khoán không lớn

Sau một vài phiên tháo chạy tập thể của NĐT ra khỏi TTCK, một loạt CTCK thông báo cắt giảm hạn mức giao dịch ký quỹ (margin).
Lịch sử cho thấy, khi thị trường giảm quá mạnh sẽ dẫn tới giải chấp. Áp lực giải chấp hiện tại như thế nào?

Giải chấp: Không đáng kể

Công ty chứng khoán (CTCK) TP. HCM (HSC) nhận xét trong bản tin của mình, “Đã có áp lực bán giải chấp đối với một số mã liên quan đến ngành ngân hàng và điều này làm tăng áp lực giảm ngắn hạn”. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, tại HSC, áp lực giải chấp không nhiều.

“Cụ thể, ngày 22/8, tổng giá trị giải chấp của HSC vào khoảng 8 tỷ đồng, ngày 23/8 trên 10 tỷ đồng. Các con số này khá bình thường, có thể giải quyết mà không gây áp lực đáng kể lên thị trường”, ông Giang nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo CTCK đang giữ ngôi vị số 1 về môi giới này không ngại công khai con số xấp xỉ 850 tỷ đồng đang tài trợ cho giao dịch kỹ quỹ, nhưng chưa hề cảm thấy áp lực giải chấp kể từ khi thị trường sụt giảm.

“TTCK phải rớt 30 - 40% nữa thì Công ty mới bắt đầu đối diện với áp lực giải chấp lớn. Vài phiên giải điểm mạnh vừa qua chưa gây áp lực lên hoạt động môi giới của HSC”, ông Giang nhấn mạnh.

Tổng giám đốc CTCK KimEng Việt Nam (KEVS), ông Lê Minh Tâm cho hay, tổng số tiền cho vay ký quỹ của KEVS không lớn, chỉ vài trăm tỷ đồng.

“Áp lực giải chấp tại KEVS hiện tại không lớn. Lác đác có khách hàng bị giải chấp, với số tiền chỉ vài trăm triệu đồng. Trước đợt giảm giá này, NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính không nhiều, nên hiện tại chúng tôi chưa đối diện với áp lực phải bán cổ phiếu của khách hàng. Bản thân tôi nghĩ, nhiều cổ phiếu bị NĐT chối bỏ, nhưng xuất phát từ chênh lệch cung cầu. Nội tại các cổ phiếu này không gặp vấn đề gì”, ông Tâm nói.

Tại CTCK Bản Việt (VCSC), bà Chân Thiên Trúc Quỳnh - Giám đốc môi giới cho biết, không xuất hiện tình trạng giải chấp, do khách hàng trước đó khá thận trọng.

“Tổng giá trị cổ phiếu ngân hàng mà khách hàng cầm cố chỉ vài tỷ đồng. Con số này không lớn và VCSC có thể kiểm soát tốt rủi ro”, bà Quỳnh đánh giá và cho rằng, lo ngại của giới đầu tư về khả năng giải chấp cuối tháng 8, đầu tháng 9 không có cơ sở, vì gần đây các CTCK khác cũng không mạnh tay cho vay margin, NĐT cũng không hào hứng vay. Mặt khác, thời gian qua, TTCK lên xuống theo hình răng cưa, mỗi CTCK ký hợp đồng cầm cố với khách hàng theo khung thời gian khác nhau, nên sẽ không có điểm rơi về giải chấp.

Giám đốc môi giới của một CTCK trong Top 5 về môi giới nhận xét, mặc dù thị trường nghiêng về một phía trong ngày hôm qua (23/8), nhưng lực bán chủ yếu đến từ các NĐT muốn tháo chạy ở mức giá sàn, chứ chưa phải lượng cung do cổ phiếu bị CTCK giải chấp. Có thể nhận ra điều này qua mức thống kê trung bình lệnh bán của NĐT sau phiên giao dịch khá thấp.

Thận trọng: Giảm margin

Sau khi KEVS và CTCK Vietcombank (VCBS) tiên phong cắt margin với 4 cổ phiếu STB, ACB, EIB, MSN, đến lượt CTCK FPT (FPTS), CTCK MB (MBS) cũng có các tính toán thận trọng tương tự. Cụ thể, FPTS thông báo đưa cả 4 cổ phiếu trên ra khỏi danh sách cổ phiếu giao dịch ký quỹ. Với MBS, CTCK này thông báo giảm tỷ lệ giải ngân cho cổ phiếu ACB từ 40% xuống 20%, CTG từ 55% xuống 30%, EIB và STB từ 60% xuống 30%, VCB từ 40% xuống 30%. Một số CTCK lớn khác như HSC, VCSC chưa có động thái này.

Về 4 cổ phiếu bị KEVS đưa ra khỏi danh sách được margin, ông Tâm chia sẻ, Công ty không thấy nội tại các cổ phiếu này có vấn đề, mà chủ yếu là do thận trọng trước làn sóng bán tháo của giới đầu tư. Cổ phiếu cầm cố tại KEVS chưa gặp áp lực giải chấp, nhưng nếu thị trường chung tiếp tục rơi tự do, thì tất yếu sẽ xuất hiện vòng xoáy giải chấp. Vì vậy, sau khi xuất hiện các thông tin thiếu tích cực, KEVS hạn chế cho vay ký quỹ với 4 cổ phiếu STB, ACB, EIB, MSN.

Ông Tâm tiết lộ, bất chấp giới đầu tư nội địa tháo chạy ra khỏi thị trường trong vài ngày qua, các NĐT nước ngoài tại KEVS không mấy lo sợ hay bị “khớp” về tâm lý. Họ vẫn mua khá mạnh, tập trung vào cổ phiếu các ngành dịch vụ, dược, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

“Thông tin xấu tại TTCK Việt Nam được các hãng thông tấn nước ngoài đưa rộng rãi, NĐT nước ngoài không thể không biết, chính bộ phận tư vấn của KEVS cũng thông báo cho họ. Nhưng có thể chiến lược giao dịch của khối ngoại khác với NĐT nội, họ nhìn thấy cơ hội khi NĐT trong nước còn đang hoảng loạn”, ông Tâm nói.

“Vài phiên giao dịch vừa qua, môi giới của VCSC đã phải thuyết phục khách hàng rằng, nhiều công ty niêm yết như Vinamilk, PV Gas, Đạm Phú Mỹ… vẫn hoạt động bình thường và cho kết quả kinh doanh tốt, không chịu bất cứ ảnh hưởng nào bởi các thông tin xấu và sự hoảng loạn mang tính tập thể của NĐT gần đây”, bà Quỳnh nói.

Tuy nhiên, ông Giang cảnh báo, khi thị trường càng đi xuống, mức độ bất ổn càng tăng lên, do tâm lý NĐT bất an. “Không nên xem nhẹ tâm lý NĐT và đánh giá thấp tác động”.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện