Áp dụng Thông tư 36: Dư nợ dành cho đầu tư cổ phiếu sẽ là bao nhiêu?
Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 14 của Thông tư quy định: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Khoản cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng , ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại để đầu tư kinh doanh cổ phiếu và cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu.
Thông tư 36 sẽ có hiệu lực từ 1/2/2015, như vậy các ngân hàng sẽ có hơn 2 tháng để thực hiện những điều chỉnh về hạn mức quy định.
Câu hỏi đặt ra là dư nợ cho vay cổ phiếu hiện ở mức nào?
Theo bản tin ngày 18/11 của công ty chứng khoán HSC, tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng vào khoảng 435 nghìn tỷ đồng.
Thông tư 13 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định Tổng dư nợ cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với tất cả khách hàng nhằm đầu tư, kinh doanh CHỨNG KHOÁN không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Điều này tương ứng với việc các tổ chức tín dụng có thể cấp 87 nghìn tỷ đồng để cho vay chứng khoán.
Trong khi đó thông tư 36 quy định mức tối đa cho vay mua CỔ PHIẾU là 5% vốn điều lệ, tương ứng với room cho vay chứng khoán vào khoảng 21,75 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu chỉ là một trong rất nhiều loại chứng khoán, do đó việc thay đổi quy định không nhất thiết đồng nghĩa với việc siết cho vay chứng khoán.
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán công bố rằng tổng cho vay ký quỹ đến cuối tháng 10 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng. Con số này được tổng hợp từ báo cáo định kỳ của các công ty chứng khoán. Theo HSC thì con số trên không tương đương với tổng dư nợ cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng vì còn phải:
(1) Cộng thêm hợp đồng cho vay trực tiếp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng để đầu tư chứng khoán (dùng chứng khoán như tài sản thế chấp)
(2) Trừ đi phần cho vay ký quỹ đến từ nguồn vốn tự có của công ty chứng khoán. Với nhiều công ty chứng khoán lớn, nguồn cho vay ký quỹ chủ yếu là từ vốn tự có.
Do đó, theo HSC con số chính xác hơn chỉ đơn giản là cộng tổng dư nợ (a) cho công ty chứng khoán và (b) cho vay đầu tư mua cổ phiếu. Cả 2 con số này đều không được công bố chính thức tuy nhiên HSC ước tính rằng mức cho vay kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 20-21 nghìn tỷ đồng.
Con số 20-21 nghìn tỷ nhỏ hơn mức tối đa trên lý thuyết là 21,75 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng cho vay đầu tư chứng khoán và chỉ những ngân hàng có nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư cổ phiếu. Do vậy, mức tối đa cho vay đầu tư chứng khoán có thể nhỏ hơn con số 21,75 nghìn tỷ đồng.
Con số cụ thể chỉ có được khi các cơ quan chức năng chính thức công bố. Con số này cũng sẽ thay đổi khi các ngân hàng tiến hành tăng vốn điều lệ.
Chưa tính đến các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (gồm cả ngân hàng liên doanh, 100% vốn nước ngoài) hiện đạt gần 350 nghìn tỷ đồng.
Nguồn CafeF/Infonet