Thứ Hai | 29/09/2014 09:13

ANZ thoái vốn: "Khoảng trống room ngoại là cơ hội của SSI”

ANZ thỏa thuận toàn bộ vốn tại SSI cho đối tác nội khiến SSI hở room 17% sau 3 năm "đóng cửa" với NĐT ngoại.

Theo nguồn tin từ ANZ, ANZ quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi SSI sau hơn 7 năm gắn bó. Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI về việc này.

Thưa ông, cổ đông chiến lược ANZ có quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi SSI sau 7 năm gắn bó, ông có bất ngờ với thông tin này không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi không ngạc nhiên về quyết định này. ANZ có những chiến lược phát triển riêng của họ. ANZ muốn tập trung phát triển ngân hàng thương mại tại Việt Nam, và đó là lý do họ thoái các khoản đầu tư khác.

Vậy sự ra đi của ANZ có làm xáo trộn hoạt động của SSI không thưa ông, khi HĐQT của SSI có tới 2 thành viên của ANZ?

Hoàn toàn không. Mối quan hệ của SSI và ANZ rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của ANZ đối với sự phát triển của SSI trong thời gian qua.

ANZ đầu tư vào SSI đã hỗ trợ SSI mở rộng mạng lưới khách hàng và đến nay mọi việc đều tiến triển rất tốt. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, ANZ chủ yếu tập trung phát triển mảng ngân hàng thương mại thông qua ANZ Việt Nam, do đó những đóng góp của ANZ cho SSI trong thời gian tới là không nhiều.

Điều kiện để một cổ phiếu được xét vào danh mục Market Vector Vietnam Index: Vốn hóa ít nhất 150 triệu USD, thanh khoản giao dịch ít nhất 1 triệu USD/ngày, room NĐT nước ngoài ít nhất 10%;

Điều kiện để vào danh mục của FTSE Vietnam ETF: ngoài điều kiện về vốn hóa và thanh khoản phụ thuộc vào rổ FTSE Vietnam All-share, room nước ngoài ít nhất 5%.

Về chiến lược phát triển kinh doanh của SSI không ảnh hưởng gì. Hiện tại với vị thế, quy mô cũng như đội ngũ của mình, SSI đang hấp dẫn nhiều NĐT chiến lược nước ngoài khác muốn hợp tác với SSI để cùng đưa SSI lên một tầm hoạt động mới theo lộ trình phát triển được McKinsey tư vấn từ năm 2010, nhưng chưa có cơ hội vì đã hết room cho NĐT nước ngoài.

Nếu thỏa thuận SSI theo giá hiện tại trên sàn, ANZ sẽ thu về gần 2.000 tỷ đồng, theo ông đối tác nào có đủ tiềm lực tài chính để nhận chuyển nhượng số cổ phần này?

Khối lượng cổ phiếu ANZ bán ra là rất lớn nhưng tất cả đều thông qua giao dịch thỏa thuận, các nhà môi giới của ANZ đã tìm được những đối tác nội để chuyển nhượng 100% vốn.

Bản nhân cá nhân tôi, công ty Đường Mặt Trời do em trai tôi làm CEO, công ty BĐS Đan Linh của gia đình em trai tôi cũng tham gia nhận chuyển nhượng lại cổ phần của ANZ.

Từ khi thành lập SSI đến nay, tôi chưa hề bán đi một cổ phiếu SSI nào. Tuy nhiên do SSI tăng vốn nhiều lần trong thời gian qua ra công chúng, dẫn đến tỷ lệ cổ phần của tôi giảm xuống còn hơn 8%. Đây thực sự cũng là thời điểm để tôi tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cá nhân mình. Điều quan trọng là việc tăng sở hữu này không trực tiếp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường do được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận.

Như vậy điều này có nghĩa là SSI sẽ hở room hơn 17%, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho các NĐT ngoại tham gia mua cổ phần của SSI?

ANZ ra đi để lại khoảng trống cho thị trường khi một lượng tiền trong thị trường bị rút đi, nhưng đó lại là một cơ hội rất lớn cho SSI.

SSI đã hết room từ năm 2011 nên các tổ chức nước ngoài từ NĐT chiến lược đến các quỹ ETF không có thể tham gia đầu tư vào SSI. NĐT nước ngoài đang chờ Nghị định cho phép mở room từ Chính phủ, tuy nhiên sự kiện này khiến SSI đã có room cho NĐT ngoại mà không phụ thuộc vào quy định mở room nữa.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2014 và năm 2015?

Quan điểm của tôi xuyên suốt như VN-Index vừa qua bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu GAS và các cổ phiếu ngành dầu khí, không phản ánh thực sự chính xác sự tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên chúng ta có thể công nhận đây là năm tốt nhất của thị trường trong những năm gần đây và năm 2015 tôi nghĩ sẽ tiếp tục như vậy.

Tất nhiên các nhà đầu tư nên hiểu rõ công ty mình đầu tư, cần cảnh giác đối với các loại cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua mà việc kinh doanh không tăng trưởng tương ứng, các công ty không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, không minh bạch trong việc công bố thông tin.

Theo tôi ở những công ty có nền tảng cơ bản tốt, minh bạch, có kế hoạch kinh doanh và chiến lược rõ ràng, đặc biệt có đội ngũ lãnh đạo đủ tâm và đủ tầm.

Xin cảm ơn ông.

Ngày 10/7/2007, CTCP Chứng khoán Sài Gòn công bố bán 10% cổ phần (tương đương 80 tỷ đồng mệnh giá thời bấy giờ) cho ngân hàng ANZ, với tổng giá trị 88 triệu USD đã làm giá cổ phiếu SSI đang niêm yết trên sàn Hà Nội tăng khá mạnh.

Số ngoại tệ ANZ đổ vào SSI thời điểm bấy giờ có giá trị hơn 1.400 tỷ đồng, tương đương ANZ đã trả cho mỗi cổ phiếu SSI mua vào với giá trên 175.000 đồng/cp, trong khi giá cổ phiếu SSI trên sàn trong các phiên trước đó chỉ khoảng 155.000 đồng/cp.

7 năm sau, ANZ trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của SSI với tỷ lệ sở hữu 17,51%, tương đương hơn 61.934.420 cổ phiếu.

Ngày 28/9/2014, ANZ thoái vốn SSI sau hơn 7 năm gắn bó.


Cơ cấu cổ đông của SSI tính đến ngày 26/9/2014

Nguồn NDH


Sự kiện