Thứ Bảy | 06/09/2014 22:24

ANZ Research nói gì về tín dụng ngoại tệ tăng đột biến ở Việt Nam?

Nhu cầu tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức cao do lãi suất USD thấp hơn đáng kể so với VND, kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã đạt 4,33% từ đầu năm, trong đó các khoản vay bằng VND tăng 3,06%. Nhưng các khoản vay bằng USD (dù chỉ chiếm 17% tổng dư nợ) đã tăng 10,56%, cao hơn 3 lần so với các khoản vay VND.

Báo cáo của ANZ Research mới đây nhận định, các khoản vay ngoại tệ đã tăng trưởng tốt sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 29/2013/TT-NHNN, có hiệu lực từ đầu năm 2014.

“Như một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các quy định mới đã mở rộng danh sách các nhóm doanh nghiệp được vay vốn bằng ngoại tệ. Cụ thể, các tổ chức tín dụng có thể tài trợ ngoại tệ cho một số lĩnh vực được khuyến khích sau khi có sự chấp thuận của NHNN. Khoản vay có thể được chuyển đổi thành VND để sử dụng và có thể không cần đảm bảo bởi nguồn thu ngoại tệ như trước đây” – Báo cáo của ANZ Research viết.

Ngoài ra, cam kết của NHNN về việc giữ tỷ giá USD ổn định đã khuyến khích tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Dòng vốn FDI ổn định và thặng dư thương mại các năm gần đây giúp tỷ giá chỉ tăng 1% trong năm 2013 và thêm 1% nữa hồi tháng 6/2014. NHNN cam kết tăng tỷ giá tối đa 2% trong năm 2014, khiến các doanh nghiệp đi vay USD không chịu rủi ro về khả năng trả nợ do biến động tỷ giá.

Báo cáo nhận định nhu cầu tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức cao do lãi suất USD thấp hơn đáng kể so với VND và sự kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định.

Trong khi đó huy động USD lại không tăng trưởng tốt như các khoản vay. Tính từ đầu năm, nguồn vốn huy động bằng USD chỉ tăng 1,31% và đang chiếm khoảng 14% tổng huy động hệ thống.

Trần lãi suất huy động USD thấp đã khuyến khích người dân tiết kiệm bằng tiền Đồng nhiều hơn. Lãi suất huy động USD đã giảm xuống 1%/năm so với 6%/năm của tiền gửi bằng VND. Người dân và doanh nghiệp giảm dự trữ ngoại tệ, chuyển sang tiền VND để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo chính sách giảm tình trạng đô la hóa. Theo số liệu của IMF, tỷ lệ đô la hóa đã giảm xuống 17,8% vào tháng 4/2014 từ mức 19,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh hơn huy động làm cho tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) bằng ngoại tệ đã tăng lên. Theo báo cáo của NHNN là 88,5%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ LDR bằng VND là 80%. Tuy nhiên tỷ lệ này (88,5%) của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình 91,3% của 5 nước ASEAN.

Nếu tình trạng hiện nay được duy trì, ANZ Researh nhận định các ngân hàng có nguy cơ đối mặt với rủi ro mất cân xứng tiền tệ (giữa VND và USD) trong 18 tháng tiếp theo.

“Những khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiện tại có thể dẫn đến mất cân đối tiền tệ. Cải thiện tăng trưởng tín dụng yếu đòi hỏi các giải pháp mang tính cơ cấu. Nợ xấu đã tích lũy trong khoảng thời gian vài năm và không thể xử lý bằng các giải pháp ngắn hạn” – ANZ Research kết luận.

Nguồn CafeF


Sự kiện