ANZ: Kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không đáng kể từ giá dầu giảm
Chiều nay (3/2), Ngân hàng ANZ đã tổ chức buổi họp trực tuyến chia sẻ thông tin, đánh giá được trình bày trong nghiên cứu "Việt Nam: Tác động cân bằng của việc rớt giá dầu" công bố mới đây của ANZ.
Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho biết, diễn biến giá dầu giảm trong thời gian qua sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới trong thời gian tới. Xu hướng giá dầu hiện nay giống với giai đoạn 1984 - 1985, ông Maguire nói, chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố từ phía cung chứ không phải cầu, giá dầu thế giới đang bước vào giai đoạn bình ổn mới.
ANZ dự báo giá dầu trong nửa đầu năm 2015 sẽ vào khoảng 50 USD/thùng và ở nửa sau năm 2015 là khoảng 60 USD/thùng.
Do mức độ tiêu thụ dầu tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng vượt mức tăng trưởng hàng năm ở mức 7,5% (CAGR) trong suốt 20 năm qua, mức độ tăng lớn nhất trong khu vực, vượt cả Trung Quốc nên ảnh hưởng của việc giá dầu giảm sẽ rất lớn, đối với mọi ngành nghề, chi tiêu và giá cả, chuyên gia ANZ nhận định.
Tuy nhiên, Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô vừa là nước nhập khẩu các sản phẩm dầu đã qua xử lý. Do đó, ANZ dự kiến hiệu ứng cân bằng sẽ xuất hiện trong cả thương mại và chi tiêu. Mức giảm ở đầu xuất khẩu dầu thô sẽ được bù lại bằng mức tăng ở đầu nhập khẩu xăng dầu. Do đó, điều quan trọng là dự tính được ảnh hưởng cuối cùng sẽ nghiêng về bên nào. Mặc dù các biến động khá lớn nhưng hiệu ứng cân bằng này cho thấy diễn biến đối với nhiều khối kinh tế vĩ mô quan trọng như tài chính nhà nước thì ảnh hưởng cuối cùng là không đáng kể.
Các chuyên gia ANZ cho rằng việc giá dầu giảm sẽ tác động tới lạm phát, thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại của Việt Nam. Trong đó, tác động rõ ràng nhất là lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Giá dầu liên tục giảm sẽ làm gia tăng lợi ích về giá của các mặt hàng phi lương thực/phi dầu mỏ vốn đã thấp trong giỏ hàng hóa tính CPI.
ANZ dự báo lạm phát năm 2015 có khả năng đạt trung bình 3%, thấp hơn so với năm trước, và thấp hơn mục tiêu 5% của chính phủ do mức giá dầu mới khiến cho đường lạm phát đi xuống.
Chiều hướng giá xăng tại Việt Nam hiện phản ánh đúng hơn chiều hướng giá toàn cầu, khi giá dầu thế giới thay đổi thì giá trong nước sẽ thay đổi trong ít nhất 1 tháng.
Giá vận chuyển và chi phí liên quan đến nhà đất giảm thấp hơn mức giảm giá dầu thế giới do chính sách chuyển giá của Việt Nam, ANZ nhận định. Chuyên gia ANZ cho rằng, tác động của giá dầu giảm tại Việt Nam hiện chưa rõ nết do có độ trễ trong tâm lý của người tiêu dùng, khi hiện nay người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp có phần còn chưa hoàn toàn tin tưởng, chờ đợi và tiết kiệm. Thời gian tới nếu lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp thì tiêu dùng sẽ tăng tích cực.
Dù trợ giá đã giảm nhẹ, ANZ dự báo tổng doanh thu thế từ xuất khẩu dầu thô cũng đã giảm.
Về cán cân thương mại, ANZ lưu ý tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam hiện đã ít bị phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, từ mức tỷ trọng dầu thô chiếm 10% năm 2009 đến năm 2014 chỉ còn 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu xăng dầu hiện cũng chỉ còn chiếm 4,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm so với mức 8,9% năm 2009.
ANZ dự báo xuất khẩu dầu của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các dự án sản xuất, phân phối dầu để đáp ứng nhu cầu tăng trong dài hạn, bất chấp mặt bằng giá dầu giảm. Xuất khẩu dầu thô phải giảm để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nguồn DVO