Thứ Ba | 08/07/2014 12:10

ANZ: Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy, cải thiện chậm trong quý II

ANZ tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 và 2015 lần lượt ở 5,6% và 5,8%.
Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo cập nhật đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện, các chỉ số quý II cho thấy sự cải thiện chậm và ổn định trong tiêu dùng trong nước và khu vực ngoài nước vẫn mạnh.

Trong nửa đầu năm 2014, nhu cầu nội địa của Việt Nam vẫn yếu, và đang hưởng lợi từ khu vực nước ngoài tăng trưởng mạnh. ANZ dự báo động lực này sẽ vẫn tiếp diễn trong 3 tới 4 năm tới.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn trên con đường hồi phục chậm và ổn định trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu. ANZ tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 và 2015 lần lượt ở 5,6% và 5,8%. Ngân hàng ANZ tin rằng nền kinh tế đã chạm đáy, tuy nhiên những rủi ro về khả năng nhu cầu bên ngoài không đủ bù đắp nhu cầu trong nước yếu vẫn còn.

Nguồn: ANZ/Gafin
Nguồn: ANZ/Gafin

Tăng trưởng tín dụng yếu vẫn cản trở tăng trưởng kinh tế. Dư nợ tín dụng tới 2/7 tăng 3% từ đầu năm, thấp hơn mức tăng 4,7% trong cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước vẫn dự báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12 - 14% khi các ngân hàng tăng cường cho vay trong quý cuối năm. Cho tới nay, tăng trưởng đạt được nhờ có mức tăng các khoản vay ngoại tệ lên tới 10%, trong khi các khoản vay bằng VNĐ ít. Nợ xấu cao trong bảng cân đối của các ngân hàng đang ngăn họ mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước, ANZ nhận định.

Xu thế giảm lạm phát vẫn duy trì và ANZ điều chỉnh dự báo lạm phát 2014 và 2015 xuống lần lượt 5 - 5,5% và 6 - 6,5%. Theo ngân hàng này, hỗ trợ của chính phủ nhằm củng cố cơ sở hạ tầng không đủ để bù đắp sự yếu kém trong chi tiêu của khu vực tư nhân.

Theo quan điểm của ANZ, động thái phá giá VND 1% nhưng sau đó công bố giá USD tại sở giao dịch là 21.100 - 21.400 đồng/USD nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ hơn của NHNN nhằm giữ giao dịch tiền tệ trong biên độ giao dịch cho phép chính thức. NHNN cũng tỏ rõ ý định hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, ANZ tin rằng động thái mới đây nhất của NHNN sẽ chỉ có tác động hạn chế tới hàng hóa xuất khẩu trong ngắn hạn. Những điều chỉnh được chờ đợi trong tỷ giá trong lịch sử có tác động hạn chế tới cán cân thương mại.

Liên quan tới tác động của điều chỉnh tỷ giá tới lạm phát, ANZ cũng dự báo tác động giới hạn tới các số liệu thường niên do dựa trên các cơ sở so sánh. Năm ngoái, việc phá giá 1% cũng diễn ra trong tháng 6, nhờ thế cũng bù đắp những tác động theo năm tới những thay đổi về giá. Tuy nhiên, trên cơ sở liên tục, việc phá giá năm nay có thể sẽ làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa.

Nguồn: ANZ/Gafin
Nguồn: ANZ/Gafin

Cán cân thanh toán vẫn còn thặng dư trong nửa đầu năm 2014. Thặng dư thương mại tới hết tháng 6 đạt 1,3 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 15,2% cho thấy nhu cầu bên ngoài sáng sủa. Nhập khẩu tuy thế cũng tăng 11,4% từ đầu năm tới nay, hầu hết là nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.

Thặng dư cán cân thanh toán giúp NHNN tăng dự trữ ngoại tệ. Các quan chức NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 10 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, lên 35 tỷ USD. Ngày 1/7, NHNN tuyên bố rằng từ 15/7/2014, NHNN sẽ tính cả vàng và tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại SBV vào dự trữ ngoại hối. ANZ đặt câu hỏi về con số chính xác của dự trữ ngoại hối của NHNN.

ANZ cho rằng, mặc dù dự trữ ngoại hối chính thức tăng trong 3 năm qua, dự trữ của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực và trong vấn đề đảm bảo nhập khẩu. Thay vì cung cấp sự minh bạch, định nghĩa mới của dự trữ chính thức có thể sẽ làm phức tạp tính hữu ích của dự trữ ngoại hối trong vai trò một chỉ số cho thấy khả năng thanh toán bằng ngoại tệ của Việt Nam, theo ANZ.

Nguồn Theo DVO/ANZ


Sự kiện