Ảnh: Thùy Liên

 
Hải Vân Thứ Tư | 27/03/2019 09:16

Anh muốn có thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam

Anh đang đàm phán với Việt Nam để có một thoả thuận song phương về thương mại tiêu chuẩn cao như EVFTA.

“Chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Việt Nam để có một thoả thuận song phương về thương mại sau khi rời EU. Nó như một FTA tiêu chuẩn cao như Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA), Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết tại Tọa đàm: Business is GREAT” hôm 26.3.

Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng “có 3 vấn đề lớn sau khi Anh rời EU, đó là chính sách thương mại, chính sách nhập cư và chiến lược phát triển công nghiệp”.

Một điều vị Đại sứ của Nước Anh chắc chắn “chúng tôi sẽ duy trì chính sách thương mại tự do, cải thiện chính sách thương mại so với thời còn là thành viên EU”.

“Chúng tôi cũng đang xem xét trong tương lai sẽ tương tác với khối CPTPP như thế nào, vì đây là thoả thuận FTA rất lớn, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa bởi các chuỗi cung” ông Gareth Ward nói và cho biết: “Chính sách thương mại của Anh sẽ tiếp tục tự do, mở, giảm thuế quan”.

Liên quan đến chính sách xuất nhập cư, ông nói nước Anh sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách nhập cư dựa vào kỹ năng. Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này khi mỗi năm có 3.000 sinh viên Việt Nam qua Anh học tập.

Đại sứ Anh dẫn số liệu của Chính phủ Việt Nam, đang có 12.000 sinh viên học tại Anh, hiện nay. Ông cho đây là nguồn nhân lực chất lượng cao có thể bổ sung cho nền kinh tế Anh. Ông cũng nói chính sách nhập cư của Anh là tận dụng những con người có kỹ năng đó.

Về chiến lược phát triển công nghiệp, theo vị Đại sứ này, Việt Nam đang hướng tới việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị và Anh xuất phát điểm khác, nhưng muốn mở rộng dịch vụ của mình sang Việt Nam.

Anh muon co thoa thuan thuong mai song phuong voi Viet Nam
 

Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong nhiều năm, đặc biệt tăng trưởng năm 2018 đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ 10 năm nay. Nhưng cùng với đó là nhu cầu về năng lượng luôn ở mức cao, trên 10% vào năm 2018.

Việt Nam đang giành ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhằm giảm dần phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo tính toán của Bộ Công thương, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới cần được xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian từ nay đến 2030 và cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển tải, phân phối điện.

Anh, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi. Đến nay, 2GW đã được lắp đặt trong năm vừa qua. Anh đang hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030 trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Với kinh nghiệm phát triển, Đại sứ Gareth Ward cho biết, các công ty của Anh muốn hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch thay vì việc Việt Nam tiếp tục phải mua than từ Trung Quốc hay Úc.

Đại sứ cho rằng, 3 nội dung này là những định hướng chính sách lớn nhất liên quan tới thương mại tự do, định cư thu hút nhân tài và chính sách phát triển công nghiệp chiến lược, đảm bảo Anh tiếp tục thành công, duy trì.