Ảnh hưởng của thuế chống trợ cấp đến thị trường tôm Mỹ
Đây là 7 nước sản xuất tôm nuôi lớn nhất thế giới với sản lượng chiếm tới 88% tổng sản lượng tôm nuôi toàn cầu (theo thống kê của FAO năm 2011). Đây cũng là 7 nước đứng đầu về cung cấp tôm cho thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Nguồn cung tôm từ 7 nước này cho Mỹ cũng chiếm tới trên 80% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ.
Ngày 12/8/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố mức thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước cung cấp, trong đó có Việt Nam. Mức thuế áp cho Việt Nam là 4,52%, thấp hơn so với các nước khác (Ấn Độ: 5,85%; Trung Quốc: 18,16%; Malaysia: 54,50%, Ecuador: 11,68%).
Theo tính toán của DOC trong phán quyết cuối cùng, khi Thái Lan và Indonesia - nước cung cấp tôm lớn thứ nhất và thứ ba, chịu mức thuế 0%, sẽ chỉ có 40% nguồn cung tôm cho Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế này. Tuy nhiên, trên thực tế mức thuế chống trợ cấp này sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến nguồn cung tôm cho Mỹ.
Thống kê nhập khẩu tôm vào Mỹ 6 tháng đầu năm từ 2 nguồn cung này đều giảm, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan giảm 31,7% và từ Indonesia giảm 4,4%. Với tình hình dịch bệnh, cộng với sản lượng giảm mạnh (dự kiến giảm 50% so với năm 2012 xuống còn 250.000 tấn), việc gia tăng xuất khẩu tôm của Thái Lan sang Mỹ trong những tháng tới không hề dễ dàng.
Theo Cơ quan Thống kê Mỹ, 6 tháng đầu năm 2013, cùng với Ấn Độ, Việt Nam là một trong 2 nước có mức tăng trưởng nhập khẩu tôm vào Mỹ trong nhóm 10 nước cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp sẽ tạo thêm gánh nặng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ. Vì vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng tới khó có thể tiếp tục tăng trưởng.
Tháng 7/2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng tới 101,8% - mức tăng kỷ lục trong nhiều tháng gần đây và có lẽ cũng là dấu mốc đánh dấu sự “thoái trào” trong xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này ít nhất là trong những tháng còn lại của năm nay.
Ngoài Việt Nam, Ecuador cũng có phản ứng rõ ràng khi mức thuế chống trợ cấp được công bố. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của nước này cũng bày tỏ ý định ngừng xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Trước thông tin về thuế chống trợ cấp, nhiều nước không bị áp loại thuế này như Philippines hay Bangladesh đã lên tiếng cho biết sẽ tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu sang Mỹ.
Trong đó, Philippines tuyên bố sẽ xây dựng một chương trình đẩy mạnh xuất khẩu tôm nhằm tận dụng cơ hội thiếu hụt nguồn cung từ các nước khác. Bangladesh tỏ ra “lạc quan” với cơ hội này do xuất khẩu tôm của nước này nhiều năm qua đã không thể cạnh tranh được với các nước khác, mặc dù nước này chưa từng bị Mỹ áp bất cứ loại thuế nào nhờ Hệ thống Ưu đãi thuế quan phổ cập mà Mỹ áp dụng cho nước này.
Dù vậy, Philippines hay Bangladesh cũng chỉ đang chiếm thị phần rất nhỏ, chưa tới 1% trong tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ nên việc bù đắp lượng thiếu hụt từ những nguồn cung chính là rất khó. Nhiều khả năng trong quý IV này, nguồn cung tôm cho Mỹ sẽ bị thiếu nhiều hơn do nhu cầu cho dịp lễ cuối năm tăng trong khi nguồn cung giảm. Hơn nữa, giá tôm tại Mỹ hiện đang tăng nhanh và sẽ tiếp tục xu hướng này trong những tháng tới.
Nguồn Vasep