Ảnh: DN&TH.

 
Phạm Vũ Thứ Sáu | 20/03/2020 07:43

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thương mại Việt Nam chưa đáng kể

Theo ước tính mới nhất của Tổng cục thống kê, tổng giá trị thương mại đạt mức 37,1 tỷ USD trong tháng 2, tăng trưởng 29,82% so với cùng kỳ 2019...

Tổng kết trong tháng, cán cân thương mại ghi nhận thặng dư 100 triệu USD. Tính chu kỳ trong 2 tháng lễ tết là yếu tố chủ yếu dẫn đến con số tăng trưởng ấn tượng của hoạt động thương mại trong tháng 2.

Nhằm thể hiện rõ ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên Đán đến hoạt động thương mại, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) xác định số ngày hoạt động kinh doanh trong tháng, sau đó điều chỉnh số ngày hoạt động khác nhau giữa năm tháng 2/2020 và năm liền kề 2019 như một biến giải thích cho giá trị xuất nhập khẩu.

 

KIS giả định kì nghỉ Tết hằng năm kéo dài 7 ngày, và sử dụng nó như một biển thể hiện tính chu kỳ. Kết quả, KIS tìm thấy mức độ tương quan cao giữa biến này và hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1 và tháng 2 mỗi năm. Số ngày trong tháng 2 năm nay là 29 ngày, trong khi trong năm 2019 chỉ có 21 ngày. Sau khi hiệu chỉnh với phương pháp như trên, theo ước tính của Công ty chứng khoán này, mức tăng trưởng của xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng ước tính chỉ đạt -3,14% và -8,70% so với tháng 2/2019.

 

Theo quan điểm của KIS, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã và đang lan đến hoạt động thương mại, tuy nhiên mức ảnh hưởng vẫn chưa được phản ánh hết vào số liệu trong tháng.

Về cơ cấu xuất khẩu theo sản phẩm, do ảnh hưởng của tính chu kỳ, 24 trên tổng số 30 sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Nhóm điện thoại các loại và linh kiện (TMPP), nhóm máy tính & sản phẩm điện tử & linh kiện, nhóm dệt may, và nhóm máy móc & thiết bị & phụ tùng khác (METI), và nhóm giày dép là Top 5 sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Chỉ riêng 5 nhóm sản phẩm này đã đóng góp đến 24,54% trên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng.

Về phía nhập khẩu, với ảnh hưởng tương tự do tính chu kỳ, 26 trên tổng 33 sản phẩm bật tăng lại trong tháng. Trong đó, giá trị nhập khẩu của top 5 sản phẩm bao gồm CEPP, METI, TMPP, vải các loại, và chất dẻo các loại đều tăng mạnh, đóng góp tổng cộng 13,58% tăng trưởng nhập khẩu trong tháng.

Theo dự báo của KIS, hoạt động thương mại sẽ trở nên xấu đi trong một vài tháng tới do sự gián đoạn tạm thời trong hoạt động sản xuất thương mại của một số đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Thêm vào đó, mức độ phức tạp của bệnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng ở một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, và do đó sẽ làm chậm hoạt động thương mại.

Theo đó, với con số tăng trưởng sau hiệu chỉnh có phần xấu đi trong tháng 2 cùng với dự báo tiêu cực của mình đối với hoạt động thương mại trong các tháng sắp tới, KIS cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 3/2020 sẽ giảm mạnh ở mức 2 con số với so với cùng kỳ năm 2019.

* Có thể bạn quan tâm 

►Tạm ngừng cấp thị lực cho người nước ngoài vào Việt Nam tác động ra sao đến nền kinh tế?

Nguồn Công ty chứng khoán KIS Việt Nam