Đại dịch khiến một số thương hiệu nội thất cao cấp có nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Cẩm Tú Chủ Nhật | 27/03/2022 08:00

Ẩn số ngôi vương ngành nội thất

Xuất khẩu đạt gần 10 tỉ USD trong năm 2021, doanh nghiệp nội thất Việt Nam nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa quy mô ước tính 5 tỉ USD/năm.

Sau khi đạt mức doanh thu kỷ lục 4.435 tỉ đồng năm 2019, trong 2 năm 2020 và 2021, Công ty An Cường bị sụt giảm doanh thu xuống dưới mức 3.800 tỉ đồng, kém xa so với kế hoạch 5.000 tỉ đồng. 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cũng chỉ đạt 20,24 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 34,3% kế hoạch lợi nhuận năm tài chính 2021. Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn này là sự trầm lắng của thị trường bất động sản trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Áp lực và cơ hội 

“Khi COVID-19 bùng nổ, các khách sạn đóng cửa, hầu hết công trình của chúng tôi đều phải tạm thời ngừng lại. Chúng tôi không ngờ đến một ngày mình lâm vào cảnh chẳng có việc gì để làm”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty AA Corporation, cho biết. Để đương đầu, AA nhanh chóng hợp tác với một công ty công nghệ để ra mắt Adamos - thương hiệu mới về phòng họp hiện đại tích hợp nhiều công nghệ có sẵn của thế giới. VNG chính là một trong những khách hàng đầu tiên của Adamos.

Đại dịch khiến một số thương hiệu nội thất cao cấp có nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường Việt Nam. Nhân đó, AA lập tức ra mắt một loạt dòng sản phẩm thuộc nhiều thương hiệu cao cấp mới để thay thế. Chẳng hạn, Công ty kết hợp với nghệ nhân David Salmon nổi tiếng với việc tạo ra các bản sao tiêu chuẩn của những sản phẩm nội thất hoàng gia thế kỷ XVIII, XIX. Sự kết hợp này cũng là chiến lược phát triển sản phẩm riêng (ODM) thay vì chỉ gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM) mà AA đeo đuổi trong 20 năm qua. Ông Khanh cho biết, Công ty đã có kế hoạch hợp tác với nhiều nhà thiết kế nội thất có tiếng trên thế giới để đa dạng sản phẩm trong thời gian tới. 

 

Ngoài ra, AVA Creations mới được thành lập với vai trò cung cấp đồ nội thất thiết kế đương đại nguyên bản của Pháp. AA Interior Thái Lan được thành lập để cung cấp dịch vụ nội thất cho thị trường khách sạn Thái Lan. Bộ phận ArtA được ra đời để cung cấp và lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật cho khách sạn, văn phòng và nhà ở...

Đầu tư vào công nghệ hiệu quả còn phải kể đến Xuân Hòa. Doanh nghiệp này nhập những dây chuyền tiên tiến từ các nước G7, với khoản đầu tư 2-3 triệu USD cho công nghệ, máy móc thiết bị mỗi năm. Kết quả là năng suất lao động năm 2019 tăng 24%, năm 2020 tăng 19%, năm 2021 tiếp tục tăng trên 20%. Doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Xuân Hòa lần lượt là gần 600 tỉ đồng và 41 tỉ đồng.

Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa, cho biết: “Hiện chúng tôi tiếp tục xây dựng đội ngũ R&D. Trung bình mỗi tháng đội R&D tung ra thị trường khoảng 3 thiết kế mới”. Mỗi năm, công ty này còn đầu tư hơn 2 tỉ đồng để tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho toàn bộ nhân sự. Đặc biệt là thuê đội ngũ chuyên gia của Toyota nhằm hiện thực hóa cách thức quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật.

Năm 2021, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã mua 20% cổ phần của Natuzzi Singapore Pte.Ltd - công ty nội thất hàng đầu của Ý và có vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp đồ nội thất trên toàn cầu. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Trường Thành, khẳng định việc đầu tư vào một thương hiệu toàn cầu như Natuzzi là để tăng giá trị cho hàng sản xuất tại Việt Nam và thương vụ này cũng nằm trong tham vọng trong vòng 10 năm tới đưa Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ nội thất hàng đầu ASEAN.

Quay về nội địa không dễ dàng 

Sau khi cán đích mốc 14,8 tỉ USD vào cuối năm 2021, tăng 19,7%, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng trên 20% trong năm 2022. Còn quy mô thị trường nội thất nội địa ước tính trị giá khoảng 5 tỉ USD.

Những năm tới đây, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp tục là xu hướng lớn làm thay đổi lối sống của người Việt, dẫn đến thay đổi không gian sống và thúc đẩy ngành nội thất tăng trưởng. Tuy nhiên, bài toán phải giải khi quay về thị trường nội địa là áp lực chi phí mặt bằng, nhân sự và marketing. Đến nay, đã có nhiều nhà máy doanh thu xuất khẩu ngàn tỉ đồng nhưng vẫn loay hoay khi thâm nhập thị trường nội địa. Để quay về với người dùng trong nước, doanh nghiệp đặc biệt phải chú trọng xây dựng kênh phân phối.

 

Đối với Nội thất Hòa Phát, sau khi được mua lại, công ty này đã chuyển đổi thương hiệu thành Nội thất The One. Cùng với bộ nhận diện mới, thương hiệu cũng hoạch định những thay đổi về chiến lược. Chẳng hạn, trong năm 2022, Nội thất The One sẽ thí điểm mô hình “Cửa hàng chuẩn”, mang những thiết kế hiện đại, tối ưu không gian trưng bày tới các showroom cũng như đem lại trải nghiệm thân thiện cho khách hàng.
Theo kế hoạch, AA sẽ ra mắt showroom bán các dòng sản phẩm cao cấp mới ra ở Anh và Mỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, Công ty quyết định khai trương showroom ở TP.HCM và phục vụ nhu cầu trong nước trước. Những năm qua, AA đã liên tục phát triển AKA Furniture với vai trò là bộ phận bán lẻ với hơn 20 showroom thực và showroom ảo.

Thực tế, phần lớn các sản phẩm nội thất xuất xứ châu Âu kinh doanh ở Việt Nam hiện đi theo đường vòng, tức là sản xuất ở Việt Nam, xuất khẩu qua châu Âu rồi nhập khẩu lại Việt Nam nên giá thành bị đội lên rất cao. Đây sẽ là lợi thế của sản phẩm mới từ AA khi thừa hưởng đồng thời 2 yếu tố là thiết kế bởi nghệ nhân nổi tiếng và mức giá không phải chịu thêm nhiều chi phí do sản xuất tại Việt Nam.

Theo ý kiến một chuyên gia trong ngành, bài toán quản lý chuỗi cung ứng và tiếp thị - bán hàng online đang khiến phần lớn doanh nghiệp Việt phải đau đầu. Thị trường nội thất Việt Nam đang thu hút nhiều tay chơi toàn cầu giàu kinh nghiệm. IKEA có kế hoạch xây dựng trung tâm bán lẻ trị giá 450 triệu EUR tại Hà Nội. Dongsuh của Hàn Quốc cũng đã vào Việt Nam với kế hoạch mở nhiều xưởng sản xuất, đặt mục tiêu sớm vào top 3 có doanh số cao nhất trên kênh online.