Ảnh: TL
Ẩn số Mediplantex
N gày 18.3, gần 6,3 triệu cổ phiếu MED của Mediplantex niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Mediplantex chào sàn với giá khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá trong top 10 cổ phiếu dược tốt nhất thị trường và gần bằng với giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trong ngành như OPC, Traphaco. Liệu MED có tương xứng với mức giá này?
Mediplantex có quá trình phát triển hơn 60 năm, tiền thân là Công ty thuốc Nam - thuốc Bắc thuộc Bộ Nội thương, sau chuyển về Bộ Y tế. Theo báo cáo thường niên, Công ty được cổ phần hóa vào năm 2005 và Nhà nước nắm 28% cổ phần. Hiện tại, cơ cấu sở hữu ở Mediplantex đã thay đổi: gia đình ông Trần Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mediplantex, nắm gần 47% cổ phần; còn Tổng Công ty Dược Việt Nam sở hữu khoảng 11,37% cổ phần và đây cũng là tổ chức duy nhất đầu tư vào Mediplantex.
Mediplantex tham gia ngành dược ở mảng sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, với trên 200 sản phẩm thuốc các loại. Trong đó, khoảng một nửa sản phẩm là thuốc nhập khẩu, còn một nửa do Công ty tự sản xuất. Những sản phẩm chủ lực của Mediplantex được khách hàng ưa chuộng gồm thuốc hoạt huyết dưỡng não Cerecaps, thuốc trị viêm xoang Esha, thuốc Mediphylamin. Công ty cũng đã phát triển hàng ngàn ha dược liệu và có xưởng sản xuất chiết xuất nguyên liệu. Riêng 2 nhà máy theo chuẩn GMP-WHO, có tổng công suất 800 triệu viên/năm đều đặt ở Hà Nội. Chỉ tính nhà máy số 2 đã có quy mô diện tích tới 20.000m2.
Về mạng lưới hoạt động, ngoài trụ sở chính ở Hà Nội và 2 chi nhánh tại TP.HCM, Bắc Giang, Công ty đã phát triển 50 đại lý và hơn 200 cộng tác viên, từ đó bán hàng trực tiếp đến 2.000 nhà thuốc. Mediplantex còn xuất khẩu đi các thị trường châu Âu (Pháp, Anh, Áo), châu Á (Trung Quốc, Nhật). Trong đó, các nước Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia... đóng vai trò quan trọng. Mediplantex cũng tham gia mảng thực phẩm chức năng (Ataxavi Vision, Nhung bổ thận TW1) và gia công một số mặt hàng bào chế thuốc như viên nén, bao phin nang cứng, gói, chai... cho hơn 20 công ty dược khác như Dược HTC 99, Nam Sơn, Hưng Việt, Đông Nam Á và Minh An.
Mediplantex hoạt động khá đa dạng trên nhiều mảng. Trong đó, kinh doanh thành phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng là chủ lực, chiếm hơn 51,2% tổng doanh thu. Kế đó là mảng kinh doanh thuốc nhập khẩu và xuất khẩu thuốc (chiếm 31,5%). Còn kinh doanh thành phẩm dược liệu, dược liệu sơ chế chiếm 17,3%. Ngoài ra, trong báo cáo tài chính 3 năm trở lại đây, Mediplantex đều ghi nhận thêm doanh thu từ mảng dịch vụ là cho thuê văn phòng, kho bãi. Dù vậy, nguồn thu này không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu.
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2019 nhưng dựa trên số liệu quý III/2019, Mediplantex ước ghi nhận doanh thu cả năm 730 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 40-42 tỉ đồng. Năm 2020, Mediplantex dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, lần lượt tăng 41,7% về doanh thu (950 tỉ đồng) và 32,1% về lợi nhuận sau thuế (67 tỉ đồng) so với năm 2019.
Đối với các dự án ở khu đất 356-358 Giải Phóng, 118 Nguyễn Văn Trỗi, Khu đất Mỹ Đình, Mediplantex tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh. Công ty ước tính dành số tiền từ hợp tác này để đầu tư dự án Trung tâm Hòa Lạc và dành một phần lợi nhuận 3 năm (2018-2020) để đầu tư xây dựng nhà máy. Công ty cũng dự tính huy động vốn bằng tăng vốn điều lệ và vay thêm vốn trung dài hạn tối đa 400 tỉ đồng.
Mediplantex dường như có nhiều quyết tâm cho năm 2020. Tuy nhiên, chính lãnh đạo Công ty thừa nhận “khó khăn là không ít”. Trong đó, áp lực lớn nhất có lẽ là vấn đề cạnh tranh. Hiện tại, cả nước có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc. Các công ty này cùng tham gia vào mảng bào chế thuốc, sản xuất thuốc generic… như Mediplantex. Đó là chưa nói đến hàng giá rẻ Trung Quốc, Ấn Độ tràn sang. Các loại thuốc chủ lực của Công ty như Cerecaps, Esha đang bị cạnh tranh quyết liệt về giá.
Khó khăn khác, theo Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), là các nhà máy của Mediplantex tuy theo chuẩn GMP-WHO nhưng do đầu tư đầu tiên, với suất đầu tư thấp nên đến nay, công nghệ ít nhiều đã lạc hậu, hiệu suất hoạt động không cao như nhóm nhà máy đạt chuẩn GMP-EU. Vì thế, hàng hóa của Mediplantex bị định vị ở mức trung bình, với tỉ suất lợi nhuận thấp.
Dù vậy, với đặc điểm thương hiệu hiện diện lâu năm và kênh phân phối trải rộng cùng mối quan hệ bạn hàng với các cơ quan ban ngành và bệnh viện, Mediplantex vẫn có những lợi thế riêng. Công ty lạc quan về triển vọng lâu dài bởi tiêu thụ thuốc ở các nước đang phát triển như Việt Nam còn thấp (xấp xỉ 1 liều/ngày) so với mức tiêu thụ ở các nước phát triển (3-4 liều/ngày), theo IMS Health. Năm 2020, IMS Health dự báo, hơn một nửa dân số thế giới sẽ dùng trên 1 liều/ngày và toàn cầu có thể tiêu thụ 4,5 tỉ liều dược phẩm, tăng 24% so với năm 2015. Do đó, theo hầu hết giới phân tích, ngành dược phẩm của Việt Nam là ngành ổn định và tăng trưởng tốt.