An ninh năng lượng Quốc gia đang bị đe dọa
Thưa GS, cảm nhận của ông về sự cố mất điện toàn miền Nam gây thiệt hại lớn khiến cho sản xuất bị đình trệ, sinh hoạt đảo lộn?
GS Trần Đình Long: Đây là sự cố hy hữu cũng khó lường, ít khi có vật gì chạm hay chập đường dây cao áp như vậy. Nhưng đó là sự việc rất nghiêm trọng. Đến nay vẫn chưa tính toán được đầy đủ thiệt hại về kinh tế do sự cố mất điện gây ra. Rất khó tính toán điều gì cho tròn trịa, mất điện gây khó cho sản xuất, gây khó cho kinh doanh, cho du lịch, cho dịch vụ nhà hàng. Nhiều khi, việc mất điện còn không tính được bằng tiền nếu như dẫn đến chết người.
Sự việc trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn hành lang lưới điện quốc gia. Vậy ông nhận định gì về vấn đề này?
- Đa số lưới điện cao áp đều đi qua các khu dân cư, đồi núi, rừng tự nhiên và rừng trồng nên rất khó tránh khỏi những vụ vi phạm. Xử lý các vi phạm về an toàn điện, nhất là vi phạm hành lang an toàn lưới điện quốc gia là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân, đặc biệt là những vi phạm xảy ra trong khu vực đô thị, tập trung đông dân cư.
Hiện nay trong quy định đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia cũng ghi rõ về các việc được làm và không được làm. Tuy nhiên, quy định cũng chỉ là quy định, vi phạm vẫn xảy ra.
Nghĩa là ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân là không nhỏ?
- Tất nhiên, câu chuyện an toàn điện lực không phải của riêng EVN. Nhân tố gây sự cố mất điện 22 tỉnh, thành không thuộc ngành điện, đây là phương tiện vận chuyển ngoài ngành điện. Nhưng khi làm rõ trách nhiệm, nói thấu đáo về câu chuyện gây mất điện lỗi của EVN là không nhỏ. Có thể so sánh nó gần giống với câu chuyện an toàn giao thông. Chúng ta nói đi nói lại nhiều lần nhưng người dân vẫn vi phạm giao thông.
Đối với đường dây 500KV Bắc - Nam, đây là sự cố đầu tiên kể từ ngày được đưa vào vận hành. Hành lang an toàn cho đường dây vẫn được cơ quan quản lý khẳng định rất tốt. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, đây là giai đoạn thời bình, tức là không có thiên tai địch họa xảy ra và 22 tỉnh, thành vẫn mất điện chỉ vì cây đổ gãy. Vấn đề an ninh năng lượng dường như đang bị bỏ ngỏ?
- An ninh năng lượng quốc gia là vấn đề tổng thể, vĩ mô. Để đảm bảo được an ninh năng lượng cần nhìn nhận trên hai vấn đề. Đó là đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp, như đường ống dẫn khí, than cho nhiệt điện, nước cho thủy điện… Bên cạnh đó là sự cân đối giữa năng lực phát của các nhà máy điện phải lớn hơn nhu cầu sử dụng điện. Nhưng cả 2 vấn đề trên lúc nào chúng ta cũng trong tình trạng lo ngay ngáy.
Thực tế EVN năm nào cũng nói nhiều lần và cảnh báo có khả năng thiếu điện nhưng chưa có đầy đủ khả năng để chống lại.
Thưa GS, đối với sự cố mất điện này, Đại Đoàn Kết cũng đã từng đề cập. Điện lưới quốc gia hay cao hơn là vấn đề an ninh năng lượng không thể trông chờ vào mỗi EVN?
- Vấn đề an ninh năng lượng đã được tính toán và xét đến khi chúng ta xây dựng và thiết kế các tổng sơ đồ điện, trong đó có chú trọng đến chức năng và khả năng cung ứng điện của các công trình lớn. Chúng ta đã dự báo, lên kế hoạch nhưng lại không xét được hết các tình huống xảy ra. Hiện Việt Nam đã có hai mạch đường dây 500KV để truyền tải điện nhưng chiếc xe cẩu đã va quệt vào đường dây tải điện lúc 14h, gặp đúng lúc thời tiết nắng nóng, phụ tải điện lớn. Do vậy, đường dây còn lại không thể chịu được, các nhà máy điện khác phải tách ra do vậy muốn có điện được ngay là rất khó.
Tôi cho rằng, nếu như sự cố này xe cần cẩu va chạm đường dây điện 500KV xảy ra ngoài Bắc thì ở Hà Nội cũng phải chịu cảnh mất điện ít nhất là vài ngày chứ không phải vài giờ. Vì vậy, EVN phải tổ chức rút kinh nghiệm về điện lưới một cách nghiêm khắc. Phải tìm được nguyên nhân: do thiết kế hệ thống điện quốc gia còn yếu hay do trang thiết bị của mình chưa đủ sức ngăn chặn những sự cố đứt dây, va quệt.
Ở châu Âu, hay châu Mỹ cũng đã từng xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng. Khi đó họ thành lập ngay hội đồng kiểm định để phân tích tình hình, tìm ra lỗi chủ quan như thế nào, lỗi khách quan như thế nào để tối giảm hóa các sự cố.
Lưới điện của chúng ta trước chỉ có 1 mạch 500KV nhưng nay có 2 mạch. Dự kiến đang xây dựng thêm mạch 3 dẫn điện từ Pleiku về. Hi vọng xác suất mất điện trên diện rộng như vừa qua sẽ được khắc phục.
Thưa ông, hiện nay các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu - khí, năng lượng mới và tái tạo được các ngành xây dựng riêng lẻ và rất chủ động, tức là từ khi còn chưa có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Dù các phân ngành trên vẫn đảm bảo tốt việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, nhưng nếu xét đến vấn đề an ninh năng lượng bền vững thì không ai dám chắc?
- Như tôi đã nói ở trên, đó là sự chuẩn bị các loại nhiên liệu - năng lượng sơ cấp (vốn là đầu vào, đầu ra của nhau) lại đang thiếu sự cân đối hợp lý. Điển hình như lượng than chuẩn bị cung cấp cho các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than trong quy hoạch phát triển điện lực 2011-2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch điện VII) đã ngoài tầm kiểm soát của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Quy hoạch, ngành điện, than đang gặp khó khi "sức khỏe” nền kinh tế đang chững lại. Do vậy, vấn đề an ninh năng lượng bền vững đang gặp trở ngại.
Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, nhược điểm trong quy hoạch điện nói riêng, an ninh năng lượng nói chung là chúng ta làm không đến nơi đến chốn. Xây dựng nhà máy luôn chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo và viện lý do thiếu kinh phí. Trong khi đó nhà đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm. Cơ quan quản lý chưa xây dựng chế tài đủ mạnh, quy hoạch không được thực hiện, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá điện hiện nay không hề rẻ, người dân vẫn luôn chịu cảnh điện phập phù. Chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia sẽ phải đi từ gốc, đó là đảm bảo quyền lợi cho người dân?
- Điều này thì phải tách bạch ra. Chúng ta phải tăng giá điện là vì tính toán kinh tế. Bản thân ngành điện cần sớm thoát khỏi bao cấp. Giá điện trong thời gian qua có điều chỉnh liên tục để được tiệm cận giá điện khu vực. Hiện giờ chênh lệch giá điện Việt Nam với một số nước là không lớn. Một vài năm tới chúng ta còn phải tính giá điện theo thị trường. Bản thân tôi cũng không thích tăng giá điện, cũng giống như mình không thích đi chợ mua đồ giá đắt. Tuy nhiên, muốn có lưới điện tốt, chất lượng điện ổn định thì phải tăng đầu tư, và như vậy thì ngành điện phải có kinh phí. An ninh năng lượng rồi vẫn phải quay vòng lại câu chuyện về giá.
Nguồn Đại đoàn kết