Vân Nguyễn Thứ Tư | 05/09/2018 09:17

Ấn Độ, Thái Lan giảm thả nuôi: Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Sản lượng tôm của Ấn Độ có thể giảm đến 20% so với năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan cũng sẽ chỉ còn khoảng 300.000 tấn.

Nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Tin học và Thống kê, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xu hướng sụt giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự sụt giảm xuất khẩu liên tục ở mặt hàng tôm trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung.

Điều này, theo VASEP có thể dẫn đến khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2018 sẽ khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đã đặt ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm của cả nước đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu từ VASEP cho thấy, tính đến ngày 15.8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,09 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính, xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng sụt giảm mạnh từ quý II năm 2018 đến nay. Thậm chí, trong tháng 7.2018, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 20% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8, chỉ đạt khoảng 345 triệu USD.

VASEP quan ngại, ngay cả khi xuất khẩu tôm 4 tháng cuối năm tăng nhẹ so với những tháng qua, xuất khẩu tôm năm 2018 nhiều khả năng chỉ đạt khoảng 3,7 – 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017.

Lạc quan hơn

Báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng ghi nhận tình hình xuất khẩu thủy sản cho đến hết tháng 8 đã khả quan hơn.  

Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 năm 2018 ước đạt 739 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.

An Do, Thai Lan giam tha nuoi: Co hoi cho xuat khau thuy san cua Viet Nam
 

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong 7 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Hà Lan tăng 40,7%, Hồng Kông tăng 23,3%, Đức tăng 19,2%, Hàn Quốc tăng 15%, Anh tăng 14,9% và Thái Lan tăng 12,1%.

Thêm nữa, trong tháng 8.2018, giá tôm sú tại Đồng bằng sông Cửu Long tương đối ổn định, giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ.

Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20-40 dao động 160.000-220.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá tăng 3.000-5.000 đồng/kg cho các cỡ từ 50-100 con/kg  và đạt 110.000-115.000 đồng/kg cho tôm cỡ 50 con/kg, 95.000-105.000 đồng/kgcho cỡ 70 con/kg và 80.000-87.000 đồng/kgcỡ 100 con/kg.

Cũng theo các cơ quan này, giá tôm thế giới giảm thấp nên nhiều người nuôi tôm ở các nước Ấn Độ, Thái Lan giảm thả nuôi, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2018 có thể giảm đến 20% so với năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan cũng giảm chưa phục hồi sau dịch bệnh sẽ chỉ còn khoảng 300.000 tấn.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng tôm dịp cuối năm sẽ tăng cao nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, triển vọng giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong tháng 9 này, khi Ấn Độ và Thái Lan giảm thả nuôi. Sản lượng tôm của Ấn Độ có thể giảm đến 20% so với năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan cũng sẽ chỉ còn khoảng 300.000 tấn.

Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm.

Dù vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn vẫn khuyến cáo, các doanh nghiệp thủy sản cần có các biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các thị trường xuất khẩu.