Thứ Hai | 20/04/2015 05:40

Ấn Độ "hưởng ké" TPP Việt Nam

Ấn Độ sẽ đầu tư một khu công nghiệp gần TP.HCM, tập trung sản xuất sản phẩm dệt may với tổng số vốn khoảng 300 triệu USD.

Sau Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ là nước tiếp theo đầu tư sản xuất ngành dệt may tại Việt Nam, dù quốc gia này không nằm trong nhóm tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì sao người Ấn “chấm” lĩnh vực dệt may Việt Nam?

ẤN ÐỘ MỞ KHU CÔNG NGHIỆP

Được biết, Ấn Độ sẽ đầu tư một khu công nghiệp nhỏ gần khu vực TP.HCM, tập trung các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dệt may với tổng số vốn khoảng 300 triệu USD. “Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp Ấn nhằm hưởng lợi từ TPP”, ông Vinod K. Ladia, cựu Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu hàng Dệt sợi tổng hợp và Tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC), chia sẻ.

Theo ông Vinod, khu công nghiệp này sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm liên quan đến dệt may và nguyên liệu vải. Ngoài ra, khu công nghiệp này còn sản xuất những sản phẩm mà Việt Nam đang cần và có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Ấn Độ, như các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, gia dụng và nội thất.

“Những sản phẩm này Việt Nam chưa sản xuất được và lại có giá trị gia tăng cao. Thay vì các bạn phải nhập khẩu từ Ấn Độ với thuế cao, bây giờ chúng tôi sẽ tự đến sản xuất tại Việt Nam để giảm giá thành”, ông Vinod nói thêm.

Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 400 triệu USD giá trị sản phẩm dệt may. Ấn Độ hiện cũng là nhà sản xuất các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ nhì thế giới, đạt giá trị khoảng 100 tỉ USD/năm, trong đó 40 tỉ USD là từ xuất khẩu. Nguyên liệu dệt may của Ấn Độ có chất lượng tốt, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhập nhiều là do khó khăn về khâu thanh toán và vận chuyển mất nhiều thời gian. Thế nhưng với sự hình thành của TPP, mọi chuyện sẽ sớm thay đổi.

“Ấn Độ không nằm trong những nước tham gia TPP, nhưng vì Việt Nam nhập khẩu vải từ Ấn Độ nên chúng tôi có lý do để đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam để hưởng gián tiếp lợi ích từ TPP”, ông Srijib Roy, Giám đốc SRTEPC, cho hay.

Thực tế, không phải bây giờ Ấn Độ mới nhắm đến thị trường dệt may Việt Nam. Năm ngoái, chính phủ nước này đã thông qua một chương trình tín dụng dành cho các dự án hợp tác giữa ngành dệt may Ấn Độ và Việt Nam trị giá 300 triệu USD. “Gói tín dụng này dành ưu đãi cho doanh nghiệp Ấn Độ có tham gia xuất khẩu, đầu tư vào thị trường Việt Nam; hoặc những doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác hoặc muốn nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Ấn Độ”, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM, chia sẻ.

Còn theo ông Vinod, SRTEPC, nếu khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại TP.HCM được hình thành và phát triển có hiệu quả, nước này có thể mở rộng và xây dựng một khu công nghiệp tương tự ở phía Bắc. “Chúng tôi đã gửi thông tin tới Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam để xúc tiến dự án đầu tư này”, ông khẳng định.

DỆT MAY “TRẨY HỘI” TPP

Ngành dệt may Việt Nam không chỉ trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Vừa qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bán lại 100% vốn sở hữu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thương mại và Thời trang Việt Nam (Vinatexmart) cho Tập đoàn Vingroup. Với thương vụ này, Vingroup trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng đang hoạt động trên 19 tỉnh thành trong cả nước. Còn với Vinatex, động thái này cho thấy Công ty đang buông mảng bán lẻ, vốn không phải là lợi thế, để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi may mặc.

Bằng chứng là cùng lúc, Vintex đang xúc tiến xây dựng Khu liên hợp sợi - dệt nhuộm - may Hương An tại Quảng Nam với quy mô 20 ha, tổng vốn đầu tư 1.145 tỉ đồng. Dự án này được đầu tư với mục đích chính là đón đầu TPP và giúp Vinatex đạt mức doanh thu 1.700 tỉ đồng/năm. Một số công ty con của Vinatex cũng đã chuẩn bị vốn và đất để đầu tư vào những dự án sản xuất vải, cung ứng cho doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn và các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam khi TPP được ký kết.

Trước đó, do nhắm trước những lợi thế từ TPP nên ngay từ khi diễn ra những cuộc đàm phán đầu tiên giữa Việt Nam với các quốc gia khác, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã âm thầm sang Việt Nam đầu tư vào ngành dệt may. Đến nay, những dự án đầu tư vào dệt may của các doanh nghiệp gốc Hoa tại Việt Nam vẫn tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô vốn lớn.

Có thể kế đến một số dự án lớn của doanh nghiệp Hồng Kông ở lĩnh vực dệt may Việt Nam thời gian gần đây như Tập đoàn Huafu đầu tư 136 triệu USD xây dựng nhà máy nhuộm - sợi tại Khu Công nghiệp Thuận Đạo (Long An) với công suất mỗi năm nhuộm 20.000 tấn bông và sản xuất 30.000 tấn sợi; hay Công ty liên doanh Nam Phương Textile có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD tại tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất gia công kéo sợi, dệt nhuộm, in ấn, thành phẩm may. Theo đại diện Công ty, sau khi TPP được ký kết, toàn bộ sản phẩm của Nam Phương Textile sẽ xuất sang Mỹ và Nhật.

Năm ngoái, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Còn Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển Trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp ngay tại Việt Nam.

Ở khu vực phía Bắc, Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đầu tư 68 triệu USD vào một quy trình khép kín từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm. Gần đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) cũng đã khánh thành giai đoạn 1 dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên con số 4. Xây dựng nhà máy tại Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc vừa bán được nguyên liệu may mặc, vừa làm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế là 0%.

Bên cạnh các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, hay Hồng Kông, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn từ Hàn Quốc, Nhật, thậm chí từ Mỹ cũng đang hướng đến các dự án sản xuất ở Việt Nam để tận dụng cơ hội từ TPP. Sau dự án đầu tư nhà máy sản xuất sợi đầu tiên tại Việt Nam của Tập đoàn Dong-il (Hàn Quốc) với số vốn 52 triệu USD, đến nay, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác cũng đang đầu tư nhà máy sản xuất sợi, vải tại Việt Nam. Có lẽ đây là thời điểm “vàng” để đầu tư vào ngành dệt may Việt.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư