Ấn Độ - “mỏ vàng” mới cho ngân hàng Mỹ
Các ngân hàng đầu tư toàn cầu đang chạy đua để có được thị phần tại Ấn Độ do sự bùng nổ thành lập các công ty công nghệ mới tại quốc gia này, sau khi bỏ lỡ những hợp đồng đầu tiên vào tay đối thủ là các ngân hàng nội địa có quy mô nhỏ hơn nhưng lại có khả năng kết nối tốt hơn.
Các ngân hàng như Goldman Sachs, Citigroup và Morgan Stanley đang tiến hành tuyển thêm nhiều nhân viên tại Ấn Độ và thường xuyên phải tranh giành hợp đồng tư vấn cho các công ty công nghệ.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rót ngoại tệ vào lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ, với một loạt nhà đầu tư từ Softbank của Nhật Bản tới Temasek Holdings và GIC Private Ltd của Singapore.
Trước đây, nhiều ngân hàng đầu tư lớn đã bỏ qua cơ hội trong lĩnh vực mới nổi này của Ấn Độ bởi các hợp đồng này tương đối nhỏ.
Hiện tại họ đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ trong khi các doanh nghiệp vẫn còn non trẻ - sau bài học được rút ra ở Trung Quốc, nơi nhiều ngân hàng nước ngoài phải vật lộn để cạnh tranh với các ngân hàng nhỏ do các giao dịch qua Internet phát triển với tốc độ nhanh chóng.
"Một vài trong số các công ty công nghệ này sẽ là ứng cử viên IPO lớn trong vòng 12 đến 24 tháng tới, do đó các ngân hàng lớn phải bắt đầu định vị mình từ bây giờ," Harish HV, giám đốc công ty tư vấn Grant Thornton tại Ấn Độ, cho biết.
Trong quý 1 năm nay, số lượng hợp đồng đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ mới ở Ấn Độ đạt mức cao nhất trong 9 quý và đã vượt qua số hợp đồng đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc, theo số liệu từ CB Insights. Tổng giá trị các khoản đầu tư vào Ấn Độ cũng đạt 1 tỷ USD trong quý thứ ba liên tiếp.
Để cạnh tranh với các ngân hàng nội địa như Avendus Capital và Kotak Mahindra Capital, ngân hàng nước ngoài đang thực hiện các hợp đồng nhỏ với nhiều công ty mới thành lập, với hy vọng rằng việc này sẽ giúp họ tìm được những hợp đồng có giá trị hơn.
Credit Suisse đứng đầu bảng doanh thu từ tư vấn cho các công ty công nghệ Ấn Độ với 7,7 triệu USD vào năm 2014, còn Avendus đứng thứ hai với 3,7 triệu USD.
Dù Ấn Độ có lượng người sử dụng Internet ít hơn so với Trung Quốc, doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng từ 2,9 tỷ USD trong năm 2013 lên tới hơn 100 tỷ USD vào năm 2020, và trở thành thị trường phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Điều này khiến các ngân hàng toàn cầu phải cạnh tranh để giành quyền cung cấp dịch vụ như cho vay tài chính cho các nhà bán lẻ trực tuyến Flipkart và Snapdeal, với hy vọng họ có thể bảo đảm quyền ủy thác cho bất kỳ đợt IPO nào trong tương lai.
Đối với những đợt IPO lớn, các công ty công nghệ của Ấn Độ sẽ cần tới sức mạnh tiếp thị của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng trong nước cũng đã xây dựng được các mối quan hệ đủ vững mạnh để các đối thủ nước ngoài không thể đẩy họ hoàn toàn ra khỏi cuộc đua.
Nguồn VnEconomy