Amazon có lợi thế khi tìm nhà cung cấp tại Việt Nam. Nguồn ảnh: The Information
Amazon có tìm được 100 nhà cung cấp tại Việt Nam?
Đây chính là cơ hội cho nhà cung cấp Việt Nam nếu được hợp tác. Liệu doanh nghiệp Việt có đáp ứng đủ năng lực sản lượng cũng như chất lượng?
Các sản phẩm của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển triển nhưng chưa phát huy được hết tiềm lực, đó là một điều khá đáng tiếc cho doanh nghiệp Việt, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu chia sẻ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngoại mới có nhiều cơ hội vào Việt Nam, họ thấy được giá trị sản phẩm nếu được đầu tư bài bản, bà Vân chia sẻ thêm.
Theo Tổng cục thống kê, Việt Nam có đến 98,1% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới đưa ra trong 2018, Việt Nam có đến 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được tiếp cận vốn. Đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể đầu tư bài bản cho sản phẩm cả trong sản xuất cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.
Amazon tìm nhà cung cấp tại Việt Nam được coi là một cơ hội để doanh nghiệp thử sức. Theo thông tin đưa ra từ phía Amazon, nhà bán lẻ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com.
Đơn vị này cũng giúp phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử. Hãng bán lẻ này sẽ đào tạo các doanh nghiệp Việt về thương mại điện tử, để xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng trên Amazon.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết “Doanh nghiệp Việt tham gia vào chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon (Amazon Global Selling) sẽ có cơ hội tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử này ra toàn thế giới. Cách thức để doanh nghiệp tham gia sẽ được công bố chi tiết tại sự kiện vào 27.2 tại Hà Nội và 1.3 tại TP HCM.
Tiềm năng còn cho doanh nghiệp Việt?
Lý giải việc chọn Việt Nam là thị trường phát triển, ông Bernard Tay - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, cho biết Amazon thấy tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam. Cũng theo ông Bernard Tay, "Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công... là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon".
Một trong những doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon, Bà Ngân Lê, nhà sáng lập kiêm CEO Paper Color, cho biết bán hàng toàn cầu giúp công ty tiếp cận lượng khách hàng vô cùng lớn, cũng như tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị. Với 2 thành viên ban đầu, Paper Color nay đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia.
Trước Amazon, Walmart cũng vào Việt Nam tìm nhà cung cấp và cũng khá nhiều nhà cung cấp Việt có được hợp đồng cho đến nay. Amazon và Walmart là tình địch của nhau trên thị trường bán lẻ thế giới. Theo đó, hai nhà bán lẻ khổng lồ liên tục so kè nhau trên chiếc ghế vương miện. Nhiều sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống Walmart như, công ty Dệt may Thuận Phương, Thuỷ sản Cửu Long An Giang, Sản phẩm sấy khô của Vinamit đã vào Wal-Mart Trung Quốc từ nhiều năm nay. Cà phê Trung Nguyên cũng từng bước chân vào hệ thống Wal-Mart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc.
Sau 4 lần kiểm định chất lượng, Wal-Mart đã đón nhận những lô hàng cá tra đầu tiên của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang. Đầu tư 1 triệu USD cho nhà máy sản xuất nhưng ngay sau năm đầu tiên đưa hàng vào Wal-Mart, Cửu Long An Giang đã thu về 2 triệu USD. Đó là câu chuyện đã xảy ra tại công ty này cách đây hơn 10 năm.
Công ty Thuận Phương trở thành nhà cung ứng hàng may mặc Việt Nam đầu tiên có mặt trong hệ thống Wal-Mart. Từ đơn hàng 200.000 sản phẩm trong năm đầu tiên, Thuận Phương đang cung ứng cho Wal-Mart 3-5 triệu sản phẩm/năm. Thậm chí, Thuận Phương mở thêm 2 nhà máy ở Long An để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng.
Trong thời gian tới, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ đưa được hàng hoá vào Amazon. Tuy nhiên, đây là một sân chơi mới của Amazon hay cuộc cạnh tranh tìm nhà cun gứng tại thị trường Việt Nam của 2 đồi thủ này? Thực tế, vào Việt Nam tìm nhà cung cấp trước, nhưng Walmart gặp khó khi khá nhiều doanh nghiệp Việt không đạt tiêu chuẩn và yêu cầu cung ứng hàng hoá. Nhiều doanh nghiệp quy mô quá nhỏ không đủ sản lượng cung cấp như yêu cầu. Liệu với tiêu chuẩn Amazon đưa ra, hãng này có tìm đủ 100 nhà cung ứng như mong đợi?
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt còn phải cố gắng nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh hàng hoá vào Amazon, theo đại diện hãng này. Nhiều doanh nghiệp Việt đã bỏ lỡ cơ hội vào Walmart vì thiếu kỹ năng tiếng Anh.