Thứ Năm | 12/05/2016 07:00

Ấm ức cổ tức ngân hàng

Một câu hỏi chung được đặt ra trong mùa đại hội cổ đông năm nay là: “Tại sao ngân hàng kinh doanh, có lợi nhuận mà lại không được chia cổ tức?”

Thế là Vietinbank đã chính thức gia nhập câu lạc bộ “Ngân hàng không chia cổ tức” cùng với những gương mặt quen thuộc như Techcombank, Maritime Bank và Eximbank. Đáng chú ý, VietinBank đã chia cổ tức đến 10% bằng tiền mặt trong năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt hơn 5.700 tỉ đồng, gần tương đương với năm ngoái.

Tại đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo của VietinBank đã đưa ra nhiều lý do cho quyết định không chia cổ tức. Ngoài lý do phổ biến là tăng vốn, tăng năng lực cạnh tranh mà hầu như ngân hàng nào cũng đưa ra, còn là vì Ngân hàng cần chuẩn bị trước cho thương vụ sáp nhập chính thức với PGBank. Theo lãnh đạo VietinBank, quy định không cho phép các ngân hàng chia cổ tức trước sáp nhập mà chỉ được thực hiện sau khi thương vụ diễn ra.

Lời giải thích này có vẻ hợp lý với cổ đông VietinBank. Trong khi đó, ở các ngân hàng khác, nhiều cổ đông phản ứng khá mạnh mẽ và không đồng tình với ban lãnh đạo ngân hàng về việc cổ tức giảm, hoặc không chia bằng tiền mặt trong bối cảnh ngân hàng vẫn hoàn thành tốt phần lợi nhuận trong năm ngoái.

Trong vài năm gần đây, khi ngành ngân hàng gặp trục trặc cùng sự đi xuống đồng loạt của các ngành nghề kinh tế, cổ tức ngân hàng thường được cho là vấn đề khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy trong năm nay là lợi nhuận tiếp tục tăng nhưng cổ tức lại tiếp tục xu hướng giảm, gây không ít bức xúc cho cổ đông ngân hàng tại các kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua.

Một câu hỏi chung được đặt ra trong mùa đại hội cổ đông năm nay là: “Tại sao ngân hàng kinh doanh, có lợi nhuận mà lại không được chia cổ tức?” Lấy ví dụ như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỉ lệ chia cổ tức 9% nay đã hạ xuống mức 8,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 6.376 tỉ đồng, tăng trưởng gần 28% so với năm trước đó.

Am uc co tuc ngan hang
Không những giảm tỉ lệ chia cổ tức, các ngân hàng năm nay chuyển sang phương thức trả bằng cổ phiếu

Trên thực tế, cổ tức đã được Ngân hàng Nhà nước siết lại kể từ năm ngoái. Khi đó, đại diện các ngân hàng cho cổ đông biết rằng Ngân hàng Nhà nước bây giờ mới là đầu mối “duyệt” tỉ lệ cổ tức phù hợp. Tuy nhiên, không chỉ hạn chế về mặt con số, có một điều đặc biệt là trong năm nay, các ngân hàng đồng loạt hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt.

BIDV, chẳng hạn, năm ngoái chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%, nhưng năm nay lại chia bằng cổ phiếu. Ngân hàng Quân Đội cũng chia một nửa bằng tiền mặt, một nửa bằng cổ phiếu.

Tiền ghi nhận từ lợi nhuận được xem là “tiền tươi thóc thật”. Và các ngân hàng còn rất nhiều việc để làm với khoản tiền này. Thứ nhất, các ngân hàng vẫn còn đó khoản nợ treo “lơ lửng” trên đầu từ trái phiếu bán cho công ty quản lý tài sản VAMC với khoản trích lập dự phòng buộc phải trích từ lợi nhuận hằng năm.

Có thể nói, rủi ro đến từ danh mục cho vay trước đây có thể khiến ngân hàng còn bận rộn trong nhiều năm tới. Những khoản nợ cấn qua VAMC vẫn chưa thực sự có lối ra. Vì vậy, ở khía cạnh nào đó, nói ngân hàng có lợi nhuận lớn trong năm thì không sai, nhưng nói ngân hàng đó có tiền mặt để chia thì cũng cần phải xem lại. Gần đây, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về hiện tượng “ảo hóa” lợi nhuận khi ghi nhận cả những khoản lãi không phù hợp.

Bên cạnh đó, số tiền ngân hàng kiếm được còn có một phần dành cho việc tăng vốn. Có nhiều cách thức để tăng vốn như phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu. Nhưng các phương án này khó khả thi vì sức hấp dẫn của “cổ phiếu vua” ngày nào đã ít nhiều phai nhạt. Người muốn mua vào có lẽ chỉ có những cổ đông lớn, các cổ đông tổ chức có ảnh hưởng nhất định nào đó đến hoạt động của ngân hàng, hơn là những cổ đông nhỏ kiếm lợi nhuận từ việc chia cổ tức. Còn phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu được xem là “nhất tiễn hạ song điêu”, vừa giúp thỏa mãn cổ đông, vừa có tiền mặt trong ngân hàng, vừa lại tăng vốn điều lệ giúp “làm đẹp” các chỉ số an toàn trong hoạt động.

Vậy cổ đông có kỳ vọng gì về cổ tức năm nay? Ở BIDV, tỉ lệ trả cổ tức dự kiến tiếp tục giảm xuống còn mức 7%. Mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, chia sẻ trước báo giới rằng lợi nhuận ngân hàng dự kiến sẽ còn “teo tóp” khi chênh lệch lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra đang ở mức rất thấp, chỉ còn khoảng 2,5 điểm phần trăm trong khi giai đoạn trước đây khoảng 3 điểm phần trăm.

Thiên Phong