Thứ Tư | 05/04/2017 14:40

AirAsia vào Việt Nam: Liệu có phải bước đi khôn ngoan?

Chuyên gia của Nomura nhận định rằng trong hai năm đầu liên doanh của AirAsia tại Việt Nam có thể sẽ không có lãi.

Hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia tuần trước thông báo sẽ mở liên doanh hàng không mới tại Việt Nam với hai đối tác địa phương là công ty Gumin và cá nhân ông Trần Trọng Kiên (vốn cũng là đại diện pháp luật của Gumin).

Liên doanh này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo đó, AirAsia sẽ nắm 30% cổ phần trong liên doanh (đây cũng là room tối đa cho khối ngoại tại các công ty hàng không Việt Nam), trong khi Gumin nắm 69,9%, còn ông Kiên sẽ nắm 0,1%.

Cùng với đó, AirAsia và Gumin sẽ cung cấp các khoản vay lần lượt là 2 triệu USD và 4 triệu USD cho liên doanh. 

Hãng hàng không mới dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2018 với hai chiếc máy bay, và sẽ tập trung khai thác chủ yếu các tuyến bay trong nước.

Theo chuyên gia phân tích Ahmad Maghfur Usman từ ngân hàng Nomura, có vài lý do khiến AirAsia muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đây là thị trường hàng không lớn thứ 5 Đông Nam Á, với mức tăng trưởng khách du lịch trung bình hằng năm đạt 11% trong những năm gần đây, và 35% trong hai tháng đầu năm nay.

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang gia tăng và cơ sở hạ tầng hàng không đang được cải thiện, đồng nghĩa với việc vẫn còn nhiều dư địa để ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng. Usman kỳ vọng thị trường hàng không Việt Nam sẽ tăng trường 20% trong năm nay.

Chuyên gia nhà nhận định thêm: Việt Nam có lợi thế là vị trí chiến lược, từ nước này các hãng hàng không có thể dùng các máy bay thân hẹp để bay tới tất cả các điểm đến chính ở Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ, với thời gian bay trung bình khoảng 5 tiếng từ Hà Nội hoặc TPHCM. Điều này cho thấy cơ hội để phát triển các tuyến bay quốc tế cho các hãng hàng không tại Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam cũng là một thị trường cạnh tranh gay gắt và bước đi của AirAsia vào Việt Nam sẽ khiến thị trường này càng cạnh tranh hơn. Đó có thể là sự hy sinh ngắn hạn vì lợi ích lâu dài của AirAsia, Usman cho biết.

Chuyên gia này nhận định, trong hai năm đầu liên doanh có thể sẽ không có lãi nhưng triển vọng về dài hạn sẽ vững chắc do tiềm năng nhu cầu đi lại bằng máy bay của thị trường Việt Nam. AirAsia cũng sẽ tận dụng các trung tâm hiện hữu ở ASEAN để cung cấp thêm nguồn hành khách.

Trường Văn

Nguồn Barron's Asia