Ảnh: QH

 
Viết Nguyên Thứ Ba | 23/04/2019 14:00

Ai vui khi Vinacafé chia cổ tức khủng?

Vinacafé đang phụ thuộc nhiều vào Masan và cần đầu tư thêm trong thế trận ngành cà phê hòa tan ngày càng khốc liệt.

Vinacafé Biên Hòa (VCF) vừa thông qua kế hoạch dành  hết lợi nhuận vào chi trả cổ tức. Theo đó, Công ty dự kiến sẽ dành hơn 99,7% lợi nhuận sau thuế năm 2018, tức khoảng 638 tỉ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 240%. Tính ra, VCF sẽ trả 24.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả dự kiến vào khoảng quý IV năm nay.

Đây là mức cổ tức rất cao so với mặt bằng chi trả cổ tức 10-15% hiện nay ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, lần trả cổ tức này vẫn thấp hơn đợt trả cổ tức trước, khi VCF chia cổ tức bằng tiền tới 660%. Nếu gộp cả 2 đợt thì VCF đã và sẽ chia cổ tức tới 900%, tức khoảng 90.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Đây thực sự là con số kỷ lục, nhất là sau 3 năm VCF im ắng không trả cổ tức.

Điều đáng chú ý là VCF chỉ quyết định trả cổ tức khủng kể từ sau khi Masan Beverage chào mua công khai toàn bộ cổ phần, để nâng sở hữu tại VCF lên gần 98,5%, từ mức 68,5% (tháng 1.2018). Như vậy, Masan Beverage vừa là bên quyết định cũng là người hưởng lợi nhiều nhất trong chi trả cổ tức khủng ở VCF.

Ai vui khi Vinacafe chia co tuc khung?
 

Vì VCF đã dùng toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong năm 2018 cho chi trả cổ tức nên nguồn tiền chi cho các khoản khác đã bị bỏ qua. Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, VCF đã không dành đồng nào cho đầu tư phát triển cũng như khen thưởng phúc lợi. Tình trạng này cũng đã xảy ra vào năm trước đó. Cụ thể, ở kỳ đại hội trước, cổ đông VCF đã thống nhất không trích quỹ khen thưởng phúc lợi và dùng toàn bộ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, tích lũy từ các năm trước đến ngày 1.1.2017 để chia cổ tức.

VCF khiến nhiều người có cảm giác đang “làm bao nhiêu, chia bấy nhiêu”, chưa dồn mọi nguồn lực cho đầu tư tương lai. Theo nội dung từ báo cáo thường niên, năm 2019 VCF đặt kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Ở kịch bản khiêm tốn, VCF dự kiến đạt khoảng 3.500 tỉ đồng doanh thu và 650 tỉ đồng lãi ròng, tức tăng không đáng kể so với năm 2018. Nếu tình hình khả quan, kinh doanh của VCF năm 2019 mới ước tăng 7,7% về doanh thu (3.700 tỉ đồng) và 17% về lợi nhuận sau thuế (750 tỉ đồng).

VCF không chia sẻ chi tiết cách thức đạt đến kết quả trên. Nhưng báo cáo của VCF cho biết, Công ty đặt mục tiêu năm 2019 và các năm sau là duy trì vị thế của thương hiệu Vinacafe, Wake-up, tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, làm cho cà phê trở thành thức uống thông dụng khắp Việt Nam. VCF cũng sẽ đẩy mạnh ngành nước giải khát dựa trên sản phẩm chủ lực là Wake-up 247. Các sản phẩm chế biến từ cà phê, thực phẩm, đồ uống mới... được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho VCF.

Các mục tiêu này thực ra mang tính định tính hơn là định lượng. Để đạt tới những sản phẩm tạo đột phá, rất cần đến kế hoạch chi tiết, dài hạn cho nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng... Lấy ví dụ ngay trong sản phẩm nước tăng lực vị cà phê Wake-up 247, Công ty cũng mất 4 năm ròng nghiên cứu, cải thiện, phát triển sản phẩm, từng bước chinh phục thị trường, mới có thể tiến đến tăng trưởng 57%  vào năm ngoái và đóng góp lớn nhất vào doanh thu cho VCF.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, có vẻ như VCF muốn tận dụng các thế mạnh, nguồn lực sẵn có hơn là gia tăng đầu tư. Báo cáo của VCF cho hay, Công ty sẽ tiếp tục khai thác triệt để kênh bán hàng chuyên biệt của Masan Consumer (MSC), với hơn 130.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống và trên 300 nhà phân phối. Hay VCF sẽ tiếp tục đẩy mạnh Wake-up Coffee 247.

Ai vui khi Vinacafe chia co tuc khung?
 

Trước mắt, giới phân tích vẫn đồng tình rằng, VCF sẽ còn tiếp tục kinh doanh khả quan nhờ vào những đầu tư, chuyển hướng trước đó trong sản phẩm mới và cách thức bán hàng. Tuy nhiên, trong thị trường cà phê hòa tan đã có những thay đổi về khẩu vị thưởng thức, với sự xuất hiện của những gương mặt mới đầy tiềm lực tài chính (như NutiFood, Phúc Sinh...), cùng sự gia tăng đầu tư của các đối thủ (Trung Nguyên, Nestlé...) thì chiến lược tận dụng, khai thác của VCF liệu có phù hợp?

Hầu hết những ông lớn trong lĩnh vực cà phê đều đang tích cực bung tiền, chi hàng trăm tỉ đồng cho những kế hoạch đầu tư nhà máy mới, tạo sản phẩm mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, mở chuỗi cửa hàng. Trong khi đó, VCF đã chứng kiến sự chững lại về doanh thu cà phê. Năm 2018, VCF phải gia tăng sản lượng mới đạt tăng trưởng trở lại trong mảng cà phê hòa tan. VCF cũng phải tìm đến động lực mới là nước tăng lực Wake-up 247. Một thông tin đáng chú ý khác là năm 2018, VCF bán hàng chủ yếu cho MSC, với giá trị hàng hóa tương đương 87% doanh thu của VCF. VCF cũng nhờ đẩy được chi phí bán hàng sang cho MSC mà đạt tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2018.

Rõ ràng, VCF đang phụ thuộc nhiều vào Masan và rất cần đầu tư thêm, để cứng cáp hơn, trong thế trận cạnh tranh ngành cà phê hòa tan ngày càng khốc liệt. Nhưng từ các quyết định dồn hết tiền làm ra để chi trả cổ tức, dường như ông chủ ở VCF muốn thu gặt hơn là tiếp tục vun xới? Theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, VCF vẫn còn khoảng tiền 262,8 tỉ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, trong Nghị quyết đại hội cũng như trong báo cáo thường niên mới nhất, VCF đã không nêu một kế hoạch đầu tư chi tiết nào cần thảo luận, thông qua.