Thứ Ba | 22/03/2016 08:00

Ai sẽ sở hữu Vissan?

Hai đại gia CJ và Masan này đều không thiếu tiền để trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, nhưng đó sẽ không phải là yếu tố quyết định duy nhất.

Trong lúc lãnh đạo Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) rất hồ hởi với kết quả chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang thành công ngoài vượt mong đợi, Proconco, ANCO và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) vẫn đang ngấm ngầm chạy đua. Đây là cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Vissan giữa Masan và CJ, vì Proconco, ANCO đều là công ty con của Masan. Nhưng kết quả ra sao sẽ phải đợi sau ngày 24.3, tức sau phiên đấu giá riêng cho cổ đông chiến lược.

Cuộc đua tiền mặt

Sự kiện này dự báo sẽ nóng bỏng, bởi Masan và CJ đều quyết liệt trong ý định đặt chân vào Vissan. CJ đã hé lộ ý định đầu tư vào Vissan từ đầu năm ngoái. Với quyết tâm này, CJ đã trả giá ở mức cao nhất, lên đến 102.000 đồng cho một cổ phiếu của Vissan trong phiên IPO vừa qua, tức gấp 6 lần so với giá khởi điểm. CJ cũng trở thành tổ chức nước ngoài duy nhất có mặt trong danh sách nhà đầu tư mua được cổ phần của Vissan và nắm đến 4,18% vốn điều lệ.

Theo phương án đã được phê duyệt trước đó, vốn điều lệ sau cổ phần hóa ở Vissan sẽ là 809,1 tỉ đồng. Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ, 14% vốn dành bán cho nhà đầu tư bên ngoài và 14% cho cổ đông chiến lược. Còn 7% vốn, Vissan bán cho công đoàn và người lao động.

Với cơ cấu kể trên, dù thành công trong việc gom hết cổ phiếu mà Vissan đã bán ra cho cổ đông bên ngoài lẫn cổ đông chiến lược, nhà đầu tư cũng chỉ nắm được tối đa 28% vốn điều lệ, một tỉ lệ chưa đủ tạo tiếng nói trọng lượng.

Nhưng tại sao CJ và Masan muốn trở thành cổ đông chiến lược ở Vissan? Đó là vì nhà đầu tư có thể mua thêm phần vốn nhà nước bán ra ở các lần sau. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, chia sẻ tại phiên IPO, thì “trước yêu cầu cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước hiện nay, lộ trình tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Vissan xuống còn 51% và thấp hơn nữa sẽ diễn ra nhanh”. Giới đầu tư cũng tin rằng khi Nhà nước đã có lộ trình thoái hết vốn khỏi những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... thì cũng sẽ sẵn sàng hạ tỉ lệ nắm giữ tại những doanh nghiệp tầm cỡ khác.

Như vậy, chỉ cần trở thành cổ đông chiến lược, khả năng tăng dần sở hữu, tiến đến xác lập tầm ảnh hưởng tại Vissan chỉ là vấn đề thời gian. Quan tâm bây giờ của CJ và Masan là sẽ đặt mua cổ phiếu Vissan với giá như thế nào để giành thế thượng phong mà vẫn không “vung tay quá trán”. Chính ông Mười cũng xác nhận, những yếu tố như cam kết đồng hành về chiến lược và chính sách với Vissan, chấp nhận hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm đều được nhà đầu tư đáp ứng. Do vậy, thành bại trong cuộc đua giành quyền trở thành cổ đông chiến lược tại Vissan nằm ở giá đấu.

Dựa theo kết quả của đợt IPO, để trở thành cổ đông chiến lược và nắm giữ 14% vốn điều lệ ở Vissan, Masan và CJ phải chi ra ít nhất 1.000 tỉ đồng.

Ai se so huu Vissan?
Để trở thành cổ đông chiến lược ở Vissan, Masan và CJ phải chi ra ít nhất 1.000 tỉ đồng - Ảnh: Vissan

CJ không thiếu tiền. Trong một phát biểu mới đây, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CJ tại Việt Nam, đã tiết lộ, năm 2016, CJ có kế hoạch chi thêm khoảng 500 triệu USD cho đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tiền rót dưới hình thức M&A sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực thực phẩm. CJ đã chi hơn 300 tỉ đồng và sẵn sàng bỏ thêm khoản tiền lớn vào Vissan.

Masan, trái lại, gần như im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng 5 nhà đầu tư cá nhân mua được gần 10% vốn điều lệ của Vissan trong đợt IPO vừa qua là đại diện cho Masan. Xét về dòng tiền, Masan hiện là ông chủ giàu có, với lượng tiền và tương đương tiền cuối năm 2015 còn hơn 8.300 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Rõ ràng, cả CJ và Masan đều đủ tiềm lực tài chính để có thể về đích trong cuộc đua “giành vé” vào Vissan. Vấn đề là ai sẽ chấp nhận “chi bạo” hơn để loại đối thủ.

Vị thế đôi bên

CJ và Masan hiện là những tên tuổi không xa lạ đối với thị trường. Nếu Masan được biết đến như đơn vị dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng (nước tương Chinsu, nước mắm Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi, Vinacafé và bia Sư Tử Trắng), tham gia cả vào mảng khoáng sản (mua dự án Núi Pháo năm 2010) và mảng thức ăn chăn nuôi (thâu tóm Proconco, ANCO), thì CJ đã đặt chân vào Việt Nam từ 18 năm trước. CJ đưa cả 4 mảng chính của họ gồm công nghệ sinh học-dược phẩm, thực phẩm-dịch vụ ẩm thực, giải trí-truyền thông và mua sắm tại nhà-dịch vụ hậu cần vào Việt Nam.

Riêng trong lĩnh vực thực phẩm-dịch vụ ẩm thực, CJ đã thành lập Công ty CJ Vina Agri, chuyên sản xuất, kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản. CJ hiện có 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Long An, Hưng Yên, Vĩnh Long và các trang trại chăn nuôi ở Bình Phước, Bình Dương.

Với những đầu tư này, trong đó có mảng thực phẩm đóng vai trò quan trọng, kinh doanh của CJ tại Việt Nam trong năm 2015 đã rất ấn tượng: doanh thu gần 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 500 tỉ đồng. Tính ra, doanh thu của CJ đã tăng hơn 26% trong năm qua. Đây cũng là mức tăng trưởng bình quân hằng năm trong suốt giai đoạn 2011-2015. Đáng chú ý, theo thông tin từ phía CJ, nếu nhìn riêng mảng hoạt động thực phẩm-dịch vụ ẩm thực, tăng trưởng còn ở mức khủng hơn: 86%. Năm 2016, CJ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu mạnh nhất cho mảng thực phẩm với mức tăng khoảng 71%.

Ai se so huu Vissan?
Trong năm 2015 tại Việt Nam, CJ đã đạt doanh thu gần 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 500 tỉ đồng - Ảnh: CJ Vina

Phía Masan cũng không hề kém cạnh, khi doanh thu năm 2015 đạt mức tăng trưởng rất mạnh: 90%, theo báo cáo tài chính hợp nhất. Đặc biệt, trong hơn 30.600 tỉ đồng doanh thu, gần một nửa đến từ Công ty Thức ăn Chăn nuôi Masan Nutri-Science (bao gồm Proconco và ANCO).

Masan đã chọn cách thức M&A để bước chân vào ngành chăn nuôi và chinh phục thị trường 6 tỉ USD này. Nhưng lâu dài hơn, đích ngắm của Masan là ngành hàng protein động vật, với quy mô khoảng 18 tỉ USD. Theo lý giải của Masan, tại Việt Nam, sản phẩm thịt được chế biến chiếm tỉ lệ dưới 1% tổng lượng thịt tiêu thụ, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc (chiếm 13%). Ngoài ra, thu nhập gia tăng cũng sẽ giúp mức tiêu thụ các sản phẩm thịt chế biến (đóng gói, xúc xích...) tăng theo. Đó là lý do để Masan chi ra 200 tỉ đồng, hoàn tất mua lại toàn bộ Công ty Saigon Nutri Food, đơn vị chuyên về sản xuất xúc xích, đồ hộp, chả giò, snack ăn liền từ tay Tập đoàn Quang Dũng.

Những đầu tư của Masan và CJ vào lĩnh vực chăn nuôi-thực phẩm cũng nhằm phục vụ cho mục tiêu tạo chuỗi thực phẩm khép kín theo mô hình 3F từ trang trại đến bàn ăn. Đây là mục tiêu mà bất cứ công ty nào khi tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường thức ăn chăn nuôi như C.P., Masan, GreenFeed... đều mong muốn đạt tới. Họ muốn sau khi làm chủ được mảng chăn nuôi sẽ tiến đến chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm.

Kịch bản nào cho Vissan?

Vissan có thứ mà cả Masan và CJ đều nhắm tới. Đó là bề dày gần 50 năm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, với thị phần lớn nhất trong mảng thực phẩm tươi sống (20%). Hiện tại, tuy các trang trại chăn nuôi heo của Vissan chỉ đáp ứng 10% nhu cầu sản xuất của Công ty, nhưng nguồn cung cấp thịt heo cho Vissan từ bên ngoài vẫn được đảm bảo, đồng đều về chất lượng và có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt.

Ai se so huu Vissan?
Cơ cấu doanh thu của Vissan

Đối với bò, Vissan nhập khẩu từ Úc dưới hình thức bò sống. Những chuẩn mực trong thu mua nguyên liệu này, cùng với hệ thống kiểm soát, dây chuyền giết mổ theo chuẩn ESCAS (Úc) và kênh phân phối đã giúp Vissan tạo được chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến sản phẩm cuối cùng. 40% thịt heo của Vissan đang bán theo tiêu chuẩn VietGAP và Công ty đặt mục tiêu đến giữa tháng 4 năm nay sẽ nâng tỉ lệ này lên 100%.

Ở mặt hàng thực phẩm chế biến khô gồm xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp, chà bông, chả giò, Vissan đang là thương hiệu lớn nhất Việt Nam, chiếm 23,6% thị phần, theo thống kê từ Euromonitor. Những đối thủ như Three Lady Cooks (cá hộp), Hạ Long, Seaspimex, Cholimex... chiếm thị phần nhỏ hơn nhiều. Đặc biệt, nếu như nhóm thực phẩm tươi sống giúp tạo nên tên tuổi, thương hiệu và nguồn thu lớn nhất cho Vissan thì lợi nhuận từ thực phẩm chế biến lại mang lại biên lợi nhuận gộp cao, từ 28-30%. Trong đó, xúc xích, thịt hộp, lạp xưởng đóng góp đáng kể và chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Nhóm thực phẩm chế biến mát, đông lạnh tuy góp ở mức khiêm tốn trong doanh thu của Vissan nhưng cũng lại là những mặt hàng chiếm thị phần cao trong cả nước. Theo giám đốc phân tích ở một công ty chứng khoán lớn tại TP.HCM, không phải con số doanh thu hàng ngàn tỉ đồng hay danh mục đất đai ở những vị trí đắc địa, mà chính yếu tố dẫn đầu về thương hiệu, thị phần của Vissan mới là điểm hấp dẫn nhà đầu tư, tạo nên cơn sốt, phá vỡ mọi dự đoán ban đầu của thị trường về mức giá IPO ở Vissan.

CJ và Masan chạy đua căng thẳng để trở thành cổ đông chiến lược còn vì một nguyên nhân lớn hơn. Đó là hệ thống phân phối tại Vissan.

Theo tài liệu từ Vissan, công ty này đang bán hàng trên cả nước nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Nam. Hệ thống phân phối của Vissan bao gồm cả kênh truyền thống lẫn kênh hiện đại. Tính ra, Vissan gần như phủ sóng toàn bộ với 130.000 điểm nhỏ lẻ, 120 nhà phân phối, 89 đại lý, 268 chợ sạp, 223 siêu thị (Co.opmart, BigC, Lotte, Metro, Aeon, VinMart, Satra...), 59 cửa hàng giới thiệu và 703 cửa hàng tiện lợi. Rõ ràng, hiếm có đơn vị nào mà hàng hóa có thể phân phối dày đặc, bao trùm, trên tất cả các kênh như Vissan.

Ai se so huu Vissan?
Thị phần sản phẩm từ thịt và thủy sản chế biến hiện nay

CJ, Masan đang không mạnh về điểm này và đều cần một hệ thống phân phối rộng lớn, chủ động như của Vissan để thực hiện chiến lược “từ trang trại đến bàn ăn”. Với tầm quan trọng đó, tháng 3 năm ngoái, đích thân ông Lee Hae Sun, Tổng Giám đốc Tập đoàn CJ đã từ Hàn Quốc sang Việt Nam và có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM để thúc đẩy vấn đề hợp tác với Vissan. Ở thời điểm ấy, ông Lee Hae Sun không ngần ngại cho biết, nếu việc mua cổ phần của Vissan thành công, CJ sẽ tham gia sâu hơn vào ngành chăn nuôi, từ việc cung cấp con giống, thức ăn cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến sản phẩm.

Với vị thế là tập đoàn thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc, có hơn 60 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất thực phẩm, với tiềm lực tài chính dồi dào đến từ nguồn thu hàng chục tỉ USD mỗi năm và có mặt ở 22 quốc gia khác nhau, hợp tác với CJ dường như sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho Vissan.

Thực tế, Vissan cổ phần hóa không ngoài mục tiêu hướng đến mô hình kinh doanh từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo tính truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Điều này giúp Vissan dù bắt tay với CJ hay Masan đều không bị mâu thuẫn về mặt chiến lược. Nhưng định hướng của Vissan có chút khác biệt so với Masan, là chỉ muốn chuyên sâu vào ngành gia súc, theo như chia sẻ của ông Văn Đức Mười.

Nếu Vissan đón tiếp Masan, theo đánh giá của giới phân tích, những tương đồng về văn hóa, tập quán kinh doanh do đều cùng là công ty Việt Nam có thể sẽ giúp cả 2 dễ dàng ngồi lại. Tuy nhiên, nếu nhìn ở phương diện hỗ trợ tài chính, Masan sẽ có khó sự thong thả như CJ. Bởi dù còn nhiều tiền mặt nhưng Masan cũng là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều. Cũng như CJ, Masan hoạt động đa ngành. Hầu hết các ngành của Masan đều cần đến vốn đầu tư khá lớn. Masan khó có thể tập trung nguồn lực cho riêng Vissan.

Trong khi đó, theo kế hoạch của Vissan, từ đây đến năm 2020, công ty này cần hơn 1.900 tỉ đồng để đầu tư. Riêng việc đầu tư xây cụm nhà máy chế biến tại Long An đã ước tốn hơn gần 1.300 tỉ đồng. Bởi thế, Vissan rất cần cổ đông chiến lược hỗ trợ Công ty về mặt vốn, để Vissan đầu tư với chi phí thấp và điều này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền sắp tới của họ. Vissan cũng cần cổ đông chiến lược tham gia vào quá trình quảng bá và giới thiệu sản phẩm của Vissan đến thị trường các nước như Mỹ, Úc, Nhật. Nếu thế, CJ, với tính quốc tế hóa cao hơn Masan, có thể giúp Vissan hiện thực hóa chiến lược này trong thời gian sớm nhất. Chắc chắn nếu trở thành cổ đông chiến lược, CJ sẽ tìm cách đưa thương hiệu Vissan mở rộng ở thị trường quốc tế, thông qua việc xuất khẩu sản phẩm thực phẩm dưới thương hiệu Vissan.

Nhưng dù là bắt tay với Masan hay CJ, Vissan vẫn phải chuẩn bị cho mình một tư thế mới. Đó là có thể sẽ bị đối tác chiến lược tìm cách chi phối về nhiều mặt. Dù điều này trước mắt có thể chưa xảy ra, do Satra đại diện cho Nhà nước vẫn nắm 65% vốn điều lệ tại Vissan. Nhưng về lâu dài, khi Nhà nước rút dần vai trò của mình khỏi Vissan, dù cổ đông chiến lược là Masan hay CJ thì cả hai cũng đều sẽ tìm cách gia tăng quyền sở hữu và thực thi “những can thiệp sâu sắc” ở Vissan. Điều này đã được minh chứng qua những động thái Masan tăng dần nắm giữ cổ phiếu, tiến đến nắm quyền quyết định tại những công ty mà tập đoàn này đã đầu tư như Vinacafe Biên Hòa, Vĩnh Hảo, Proconco.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng, phải cạnh tranh với những gã khổng lồ hùng mạnh như C.P. hay Cargill, bước đi của Vissan được giới phân tích nhìn nhận là khôn ngoan và hợp thời. Những lo sợ về mâu thuẫn, bị mất quyền kiểm soát, như trường hợp Bibica với Lotte tuy không phải không có cơ sở, nhưng nhìn ở phương diện vì mục tiêu phát triển dài hạn cho Công ty, bắt tay với đối tác khác là điều Vissan nên thực hiện. Và như đã phân tích, sau vòng sàn lọc gắt gao theo nhiều tiêu chí đưa ra từ Vissan, ai trở thành cổ đông chiến lược của Vissan đã không còn do Vissan định đoạn. Tất cả chỉ còn là cuộc đấu giữa CJ và Masan. Gương mặt nào sẽ “cùng thuyền” với Visan trong chặng đường sắp tới sẽ được chính thức công bố sau vài ngày tới.

Ngọc Thủy