Ảnh: TL.
Ai sẽ mua phần vốn nhà nước còn lại tại Sabeco?
Theo Quyết định 908 của Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc phê duyệt danh mục các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn từ nay cho đến cuối năm, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nằm trong danh sách chuyển giao vốn về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước ngày 30.8.
Hiện Nhà nước nắm giữ 36% vốn tại Sabeco, tương đương với 231 triệu cổ phần. Chiếu theo giá cổ phiếu Sabeco tại phiên giao dịch gần nhất là 184.000 đồng/cổ phần tổng giá trị của số cổ phiếu đạt khoảng 42.504 tỉ đồng.
Điều nhiều người đang quan tâm lúc này là ai sẽ chấp nhận mua lại 36% cổ phần từ nhà nước trong thời điểm doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn từ chính sách đến yếu tố thị trường. Gần nhất là Nghị định 100, dịch COVID-19... đang gây ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Theo kết quả quý II vừa qua, Sabeco sụt giảm 21% doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 7.140 tỉ đồng và 1.220 tỉ đồng. Trong khi, doanh thu quý I đạt 4.908,8 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 717 tỉ đồng, lần lượt giảm 47,4% và 44,4%.
Ảnh: TL. |
Lũy kế doanh thu nửa đầu năm giảm 35%, đạt 12.040 tỉ đồng. Bình quân mỗi tháng Công ty thu trên 2.000 tỉ đồng, trong đó bia đóng góp khoảng 89%, phần còn lại đến từ bao bì vật tư, nước giải khát, rượu cồn.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng âm 2 chữ số, chỉ đạt 1.930 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Sabeco hồi đầu năm đã dự liệu những khó khăn nên đặt kế hoạch doanh thu thuần 23.800 tỉ đồng và lợi nhuận 3.252 tỉ đồng, giảm khoảng 37% so với năm trước. Lợi thế của Sabeco là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam với hơn 40%.
Sabeco chỉ đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 ở mức 23.800 tỉ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.252 tỉ đồng, giảm tương ứng 37% và 39% so với năm 2019.
Cách đây 3 năm, Nhà nước thu về khoảng 110.000 tỉ đồng (tương đương 5 tỉ USD thời điểm đó) sau khi bán hơn 53% cổ phần cho ThaiBev. Lúc đó, Nhà nước quyết định giữ lại 36% để có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng. Nhưng với tình hình hiện tại, Nhà nước đã quyết định bán 36% cổ phần còn lại.
Nhiều suy đoán Sabeco có thể sẽ đăng ký mua vào để chi phối hoàn toàn. Tuy nhiên, suy đoán này hiện còn bỏ ngỏ vì thực tế với mức chi phối 53,6% thì Tập đoàn Thái đã có quyền phủ quyết mọi hoạt động của Sabeco.
Còn gì hấp dẫn?
Việc thoái hết 36% còn lại chưa chắc đã khả thi vì thị giá của Sabeco chỉ còn 50% so với cách đây 3 năm. Ở thời điểm hiện tại khó có thể bán được với giá tốt như trước, nếu Nhà nước bán giá rẻ có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thoái vốn giá rẻ tài sản của Nhà nước.
Cũng phải nói thêm, Sabeco vẫn là con cưng của tỉ phú Thái vì việc mua lại Sabeco đã giúp nâng doanh thu của mảng bia lên 4 tỉ USD, tăng 27% so với năm trước trong khi lợi nhuận tăng 50%, lên mức 104 triệu USD. ThaiBev cũng nhận định tăng trưởng đến từ đóng góp của Sabeco ở thị trường Việt Nam, còn thị trường Thái Lan là khu vực đang suy yếu.
ThaiBev còn mục đích khác là thông qua thị trường Việt Nam để từng bước thống lĩnh thị trường Đông Nam Á. Để củng cố vị thế của mình tại khu vực, ThaiBev hướng tới mục tiêu đạt được tỉ trọng 50% doanh thu là được đóng góp từ các thị trường bên ngoài Thái Lan. Thị trường Việt Nam có giá trị 6,5 tỉ USD và kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới do các yếu tố đến từ kinh tế vĩ mô và cấu trúc nhân khẩu học của Việt Nam.
Ngoài ra, Sabeco cũng được thừa hưởng quỹ đất vàng ở TP.HCM như, Bến Vân Đồn, Nguyễn Chí Thanh, Phan Huy Ích... cũng được coi là một yếu tố thu hút nhà đầu tư và có thể cả ThaiBev.
Sabeco đang có 26 công ty con, 18 công ty liên doanh, liên kết cùng hội đồng quản trị gồm 7 thành viên do ông Koh Poh Tiong làm Chủ tịch kể từ năm 2018. Đến hết năm 2019, tổng tài sản Sabeco ước đạt 26.962 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 20.076 tỉ đồng, tăng 24,6% so với năm trước đó.
Vì vậy, vấn để đặt ra là ai sẽ mua số cổ phần còn lại của Sabeco và Nhà nước bán thế nào để phù hợp trong thời điểm nhiều khó khăn hiện nay?
Có thể bạn quan tâm:
►Dấu ấn chuyển mình của Sabeco