Ai sẽ kế vị người phụ nữ quyền lực nhất PNJ?
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ có Tổng Giám đốc (CEO) mới vào năm 2017. Đây là thông tin được xác nhận từ bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ. Dự kiến, sau đại hội đồng cổ đông năm 2017, Hội đồng Quản trị của PNJ sẽ xúc tiến việc chuyển giao này.
Nếu chuyển giao diễn ra đúng như kế hoạch, lần đầu tiên sau gần 30 năm thành lập, PNJ sẽ có người điều hành mới. Nhưng đây không phải là cuộc rút lui hoàn toàn của bà Dung. Nhiều khả năng cổ đông vẫn bỏ phiếu chọn bà Dung cho vị trí Chủ tịch ở PNJ, như hàng chục năm qua bà đã đảm đương. Bà Cao Thị Ngọc Dung hiện cũng là cổ đông lớn nhất, nắm trên 10% cổ phần tại PNJ. Tính cả cổ phiếu của các bên liên quan, nhóm của bà Dung sở hữu khoảng 20%. Trao đổi với NCĐT, bà Dung cho biết vẫn còn nhiều kế hoạch lớn để thúc đẩy PNJ lên một tầm vóc mới với quy mô khu vực.
Dấu ấn người đứng đầu
PNJ sắp có CEO mới và bước ngoặt này hứa hẹn tạo ra những thay đổi mới ở PNJ. Nhưng dù thế nào, dấu ấn của bà Cao Thị Ngọc Dung tại PNJ rất khó phai nhạt. Khi nhìn vào lịch sử hoạt động ở PNJ, có thể thấy rõ tâm sức của vị nữ thuyền trưởng này. Xuất phát điểm, PNJ chỉ là một cửa hàng nhỏ, với 20 nhân viên và tài sản vỏn vẹn 7,4 lượng vàng. Giờ đây, PNJ trở thành doanh nghiệp uy tín trên sàn chứng khoán, với quy mô tài sản hơn 3.200 tỉ đồng, doanh thu trung bình 7.000-8.000 tỉ đồng/năm và đạt tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. PNJ cũng là thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á. Bên cạnh đó, PNJ đã phát triển mạng lưới bán hàng rộng khắp nhiều tỉnh thành. Nữ trang của PNJ cũng đã có mặt ở châu Âu, Mỹ, Úc... Đặc biệt, PNJ còn được biết đến là đơn vị kiểm định kim cương ngang tầm với GIA - nhà kiểm định hàng đầu của Mỹ.
Có được thành quả này là nhờ 19 năm trước, khi chuyển đổi cửa hàng sang mô hình công ty, bà Dung đã xác định chiến lược rõ ràng cho PNJ là tiến vào sản xuất kinh doanh trang sức chuyên nghiệp. Trong những năm 1990, thời điểm kinh tế thị trường vẫn còn rất sơ khai tại Việt Nam, bà Dung đã biết chú ý đẩy mạnh mạng lưới và phát triển thương hiệu PNJ thông qua lập các chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau. Nhờ đó, trang sức của PNJ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và cũng bắt đầu xuất khẩu.
Năm 2001, PNJ phát triển mảng trang sức bạc (PNJ Silver) song song với kinh doanh vàng PNJ. PNJ cũng mau chóng tiến hành cổ phần hóa (năm 2004), thay đổi logo hình ảnh nhận diện, ra mắt nhiều sản phẩm mới như CAO... (2005-2008). Năm năm tiếp theo là giai đoạn ghi nhiều dấu ấn khi PNJ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, khánh thành xí nghiệp nữ trang PNJ, lập trung tâm trang sức, kim cương, đồng hồ tại TP.HCM và tái định vị các nhãn hàng của PNJ. Đặc biệt, để tái cấu trúc chiến lược và bộ máy hoạt động, chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, PNJ còn thuê tư vấn nước ngoài.
Dấu ấn của bà Cao Thị Ngọc Dung ở PNJ còn thể hiện trong những thời khắc PNJ gặp khó khăn.Tuy nhiên, bà thường nhanh chóng tìm hướng xử lý và trấn an được nhà đầu tư. Đặc biệt, trước sự suy giảm của thị trường vàng miếng, bà Dung cùng Ban Quản trị PNJ đã kịp thời chuyển đổi, đẩy mạnh sang kinh doanh vàng trang sức. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, vàng trang sức chiếm gần như toàn bộ doanh thu và lợi nhuận gộp của PNJ. Đáng chú ý, năm 2016, tổng doanh thu dự kiến đạt 8.720 tỉ đồng, riêng doanh thu trang sức tăng 29%, đưa lợi nhuận gộp lên 1.373 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2015.
Tầm nhìn tại khu vực
PNJ đang bước vào năm 2017 với nhiều triển vọng. Theo tính toán từ số liệu năm 2015 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngành kim hoàn mà PNJ dấn bước là ngành còn nhiều cơ hội phát triển. Giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam chỉ 6,2 USD, bằng 60% của Malaysia và 7% của Singapore. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25%, trong khi tỉ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (trừ Thái Lan: 14%). Ngoài ra, với 70% dân số thuộc 15-64 tuổi, tức trong độ tuổi lao động và tiêu dùng và 51% là nữ, động lực cho thúc đẩy nhu cầu mua sắm trang sức là không nhỏ.
Ảnh: PNJ |
PNJ còn có lợi thế nhờ chiếm thị phần bán lẻ trong một thị trường trang sức còn manh mún. So với các doanh nghiệp cùng ngành chủ yếu kinh doanh tự phát, quy mô nhỏ, thiếu đầu tư bài bản, thiếu định hướng lâu dài, PNJ vượt trội hơn. Khi khách hàng ngày càng khó tính và đặt nhu cầu cao về chất lượng dịch vụ, họ sẽ tìm đến những nơi uy tín, có thương hiệu. Đây là những cơ sở để PNJ tin vào triển vọng tương lai. PNJ đã chạy đua mở rộng được mạng lưới và thiết lập được 214 cửa hàng trang sức, tính đến tháng 11.2016. Dự kiến trong 2 năm tiếp theo, PNJ sẽ mở thêm 70-80 cửa hàng. Việc gia tăng mạng lưới cửa hàng sẽ giúp PNJ mở rộng thị phần, thị trường.
Sau giai đoạn chuyển hướng kinh doanh, tỉ trọng doanh thu trang sức vàng của PNJ đã tăng từ 21% năm 2011 lên gần 80% năm 2015 (tăng trưởng 20,9% mỗi năm). Trong khi đó, doanh thu vàng miếng từ 50% xuống chỉ còn dưới 20%. Hai năm gần đây, thị phần bán lẻ của PNJ tăng mạnh, từ mức 12-14% nhảy vọt lên 21% rồi 25%, bỏ xa các đối thủ đứng sau. Số cửa hàng bán lẻ ở 43 tỉnh thành trên cả nước của PNJ nhiều hơn 3 đối thủ lớn cộng lại. Vì vậy, PNJ có lợi thế để chuyển mạnh kinh doanh sang bán lẻ, đặc biệt khi biên lợi nhuận từ bán lẻ khoảng 27%, trong khi bán sỉ chỉ 3-5%, còn xuất khẩu là 10-12%.
Triển vọng kinh doanh vàng trang sức trong nước được dự báo sẽ lạc quan, đặc biệt nhờ vào những yếu tố tích cực từ các hiệp ước thương mại tự do. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra thử thách mới cho những doanh nghiệp như PNJ, dù quy mô của doanh nghiệp này từng được xếp lớn thứ 16 trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất của các doanh nghiệp trang sức ở các nước như Thái Lan cao hơn Việt Nam, chưa kể doanh nghiệp nước này được hỗ trợ thuế suất khẩu 0%. Với lợi thế giá rẻ và thiết kế đẹp, có thể nữ trang của Thái Lan, Indonesia... sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Ảnh: Sơn Phạm |
Mặt khác, rủi ro đối với tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là phân khúc tiêu dùng cao cấp như mảng trang sức của PNJ, chịu tác động rất lớn từ tình hình kinh tế. Những biến động của kinh tế trong và ngoài nước sẽ là những thử thách đối với doanh nghiệp có hệ thống lớn, nhưng cũng sẽ là gánh nặng nếu kinh doanh không khả quan. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng cho chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ chậm lại khi tăng trưởng tương lai của mảng kinh doanh này phụ thuộc nhiều hơn vào các cửa hàng mới mở. PNJ có thể phải lên kế hoạch nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp cận nguồn vốn mới cho mở rộng hoạt động...
Tuy nhiên, với mô hình tập trung cho bán lẻ, PNJ sẽ loại bỏ bớt khâu trung gian, khép kín luôn quy trình từ sản xuất nữ trang đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, tập trung bán sản phẩm ở các cửa hàng chuẩn, qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu. Và bà Cao Thị Ngọc Dung, một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, không giấu tham vọng tạo một thương hiệu trang sức xa xỉ cho Việt Nam giữa cuộc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài. Chắc chắn, tham vọng này vẫn được giữ lửa ở vị CEO kế nhiệm của PNJ.
Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, thiết kế, thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao mô hình kinh doanh của PNJ. Năm 2016, cổ phiếu PNJ là một trong những cổ phiếu đi ngược xu thế thị trường, bền bỉ đi lên từ mức giá khoảng 40.000 đồng lên 64.500 đồng vào ngày 1.6.2016, tương ứng tăng 62,5%. Với mức tăng trưởng này, các quỹ ngoại nắm giữ PNJ đã thắng lớn như Vietnam Azalea Fund Limited thuộc Mekong Capital, LGM Investments Ltd và VinaCapital, Dragon Capital...
Vì vậy, với nền tảng chắc chắn, PNJ kiên định với chiến lược để theo đuổi tầm nhìn trở thành công ty chế tác và bán lẻ trang sức có tên tuổi tại châu Á, giữ vị trí số một trong phân khúc thị trường trung, cao cấp tại Việt Nam.
Phỏng vấn bà Cao Thị Ngọc Dung
Chuyển giao vị trí CEO cho người kế thừa được xác định là bước thay đổi quan trọng ở PNJ nhằm nắm bắt các cơ hội mới. Liệu thay đổi này có mở ra những thay đổi khác ở PNJ không? NCĐT đã có trao đổi thêm với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ, cho câu chuyện này.
Được biết trong năm 2017, PNJ sẽ có một thay đổi lớn. Đó là bà sẽ rời khỏi vị trí CEO?
Thực chất từ nhiều năm trước, tôi đã chuẩn bị việc này. Khi tôi 50 tuổi, tôi cũng đã từng một lần chuẩn bị bàn giao quyền lãnh đạo nhưng không thành. Bởi để chuyển giao vị trí CEO ở PNJ là không hề dễ dàng. Do đặc thù của ngành vàng bạc trang sức, chúng tôi không thể tìm một người từ bên ngoài để chuyển giao. Chúng tôi đã chọn một người trong nội bộ để đào tạo thay thế. Nhưng sau thời gian học hỏi vị trí mới, người này bày tỏ nguyện vọng riêng, xin rút lui không nhận nhiệm vụ kế thừa. PNJ lại tiếp tục quá trình đào tạo. Năm năm qua, nhân vật chúng tôi lựa chọn đã được tập huấn nhiều kỹ năng, nghiệp vụ để có thể đảm đương vai trò lèo lái PNJ. Xin tiết lộ đây cũng là người trong Công ty, hiện giữ vị trí Phó Tổng giám đốc. Người này có thế mạnh và hiểu biết sâu về kim cương, đá quý, về sản xuất kinh doanh vàng bạc trang sức.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ. Ảnh: Tuyển Phan |
Chuyển giao chức vụ CEO cho người này, bà sẽ yên tâm chứ?
PNJ có một CEO am tường chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực vàng bạc trang sức thì rất phù hợp với định hướng tập trung ngành cốt lõi của PNJ. Ngoài ra, như chúng tôi đề cập, PNJ đã dành 5 năm để tập huấn, đào tạo toàn diện về quản trị, về tài chính… cho vị trí này. Một chuyển giao có lộ trình và chắc chắn như vậy thì không có gì phải lo lắng.
Song song với chuẩn bị con người, PNJ còn chuẩn bị cả quy trình, hệ thống quản trị. Hiện tại, PNJ đã xây dựng xong quy chế hoạt động cho Hội đồng Quản trị mới. Đây là Hội đồng quản trị điều hành, sẽ hoạch định, điều hành chiến lược, kiểm soát về tài chính. PNJ đã và sẽ tiếp tục trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, tổ chức hoạt động theo mô hình khối, theo các quy trình không phụ thuộc vào con người. Với quy trình này, tôi có thể yên tâm rời khỏi vai trò điều hành.Việc điều hành PNJ từ đây về sau sẽ không còn dựa vào người sáng lập và công tác hoạch định chiến lược sẽ đóng vai trò then chốt hơn.
Xin bà cho biết PNJ sẽ thay đổi ra sao sau chuyển giao này?
Nếu vẫn được cổ đông tín nhiệm và tin tưởng, tôi sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch trong nhiệm kỳ tới. Nghĩa là thay đổi ở PNJ sẽ không quá lớn.
Việc chuyển giao vị trí CEO ở PNJ dự đoán cũng không gây ra xáo trộn gì. Bởi trong năm 2016, PNJ đã chạy thử nghiệm hệ thống và mô hình quản trị mới. Theo đó, quyền hạn không tập trung vào một vài người nữa. Năm 2016, vai trò của tôi trong điều hành đã giảm đi nhiều. Ở PNJ cũng đã phân trách nhiệm sâu hơn cho các Giám đốc khối. Chúng tôi tiến hành các tương tác, điều chỉnh và đến giữa năm nay sẽ sẵn sàng cho việc chuyển giao.
Nếu chỉ tập trung vào vị trí Chủ tịch của PNJ, bà sẽ ưu tiên các công việc gì?
Trong vòng 5 năm tới, nhiệm vụ của PNJ vẫn là phát triển chuyên sâu hệ thống bán lẻ trang sức, làm sao để PNJ luôn bắt kịp với kỹ thuật sản xuất của các nước tiên tiến thế giới, để PNJ vẫn giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam và hàng đầu ở khu vực châu Á. Nhiệm vụ của tôi là sẽ đưa các chiến lược để thực thi tầm nhìn này.
Để phát triển PNJ ở tầm cao hơn, Hội đồng Quản trị của PNJ cũng sẽ nghiên cứu các hình thức mở rộng hoạt động trong chính ngành cốt lõi của mình. Bởi ngành trang sức còn nhiều khía cạnh hấp dẫn có thể khai thác sâu thêm cũng như phát triển lớn hơn. PNJ cũng đang thăm dò xem có thể dấn bước vào ngành thời trang, một lĩnh vực có liên quan với mảng trang sức của PNJ. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm, đào tạo nhân tài mới, làm giàu thêm nguồn nhân lực cho PNJ. Chính họ sẽ giúp trẻ hóa và sáng tạo ra những giá trị mới cho PNJ.
Cùng sự thay đổi về CEO, mô hình, quy trình, hệ thống, PNJ có thay đổi trong chiến lược không, thưa bà?
Chiến lược của PNJ không thay đổi. Chúng tôi chọn người, chuẩn bị cho các thay đổi là để phục vụ cho chiến lược đã vạch ra. Đó là phát triển sâu hơn về mảng bán lẻ trang sức và chúng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong 5 năm nữa.
PNJ sẽ thay CEO và tuyển dụng thêm nhiều người mới. Biến đổi nhân sự có thể tạo ra mâu thuẫn, xung đột và làm ảnh hưởng Công ty?
Trong một tập thể, khác biệt và xung đột là khó tránh khỏi. Nhưng giải quyết xung đột là nghệ thuật của người làm CEO. Riêng văn hóa ở PNJ là khuyến khích phản biện. Chúng tôi tuyển dụng người mới cũng là mong muốn họ mang yếu tố mới vào trong PNJ, chỉ ra cho PNJ thấy những điểm chưa được và đề xuất hướng giải quyết.
Nếu thị trường có biến động và CEO mới ở PNJ rơi vào thế lúng túng, bà có can thiệp không?
Dù PNJ đã lựa chọn người kỹ lưỡng, dành nhiều năm đào tạo, nhưng nếu thị trường gặp cú sốc lớn, có thể người CEO sẽ bối rối và Hội đồng Quản trị PNJ vẫn cần phải can thiệp. Đặt giả sử tôi không còn giữ vị trí gì ở PNJ, thì với đứa con tinh thần mình đã dày công nuôi nấng, nếu PNJ gặp chuyện và tôi còn khả năng, còn được tin tưởng, tôi sẽ không đứng ngoài cuộc.
Trong năm 2017 và giai đoạn tới, PNJ có lo ngại về khả năng cạnh tranh không?
Dù có nhiều đơn vị gia nhập vào sản xuất bán lẻ trang sức và nước ngoài cũng tham gia lĩnh vực này nhưng PNJ không lo ngại cạnh tranh. Cạnh tranh là điều thú vị, là động lực để PNJ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, với tầng lớp trung lưu dự báo sẽ tăng cao ở Việt Nam, PNJ tập trung vào phân khúc trung cao cấp ước sẽ đón nhận thêm những khách hàng mục tiêu mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có điều gì khiến bà hài lòng cũng như nuối tiếc?
Tôi đã dành trọn đời mình để cống hiến cho sự nghiệp phát triển ở PNJ. Trong chặng đường đã đi đó, có thành công lẫn thất bại nhưng nhìn lại, tôi hãnh diện vì mình đã góp phần xây dựng một thương hiệu kim hoàn mang tầm quốc tế, trong top 5 của ngành trang sức châu Á. PNJ giờ trở thành một trong 10 doanh nghiệp được đánh giá phát triển bền vững, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tôi cũng tự hào mình là một trong những viên gạch đầu tiên của phong trào doanh nghiệp trẻ Việt Nam và tôi đang dốc sức xây dựng phong trào doanh nghiệp nữ thông qua Hội Doanh nghiệp nữ Việt Nam và của Hội Doanh nghiệp Thành phố. Nếu có điều gì khiến tôi đau lòng nhất, đó là thấy Ngân hàng Đông Á rơi vào vòng xoáy thị trường và có kết cuộc như hôm nay. Cũng như PNJ, tôi đã dành nhiều tâm huyết để gầy dựng ngân hàng này.
Trước những chuyện không như ý, bà thường đón nhận với thái độ như thế nào?
Từ trước đến nay, tôi không tránh né thất bại, khó khăn. Mỗi lần như thế, tôi luôn nhìn về tương lai, để sáng suốt hoạch định đường đi tốt hơn, vững chãi hơn. Ví dụ như trận bão lần này, nếu không bản lĩnh, có lẽ tôi đã gục ngã trước các mất mát. Nhưng kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, sóng gió trước đây đã giúp tôi điềm tĩnh hơn. Tôi đã đón nhận chuyện đến như thể nó phải đến, hướng lòng trí vào những điều có thể giúp mình sống thanh thản.
Ngọc Thủy