Ai mua bò của bầu Đức?
Nếu năm nay không có bò thì HAG cũng bò luôn”, Chủ tịch Ðoàn Nguyên Ðức của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phát biểu nửa đùa nửa thật trong buổi roadshow giới thiệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai hồi cuối tháng 7 vừa rồi. Và các cổ đông của HAG đã không phải đợi lâu. Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2015 của công ty này đã ghi nhận doanh thu tăng đột biến nhờ bò.
Cụ thể, doanh thuần quý II của HAG đạt 1.985,66 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp phần lớn vào kết quả khả quan này của Công ty phải kể đến đến việc bán bò thu về 766 tỉ đồng, chiếm 39% tổng doanh thu.
Dù đột biến, nhưng doanh thu đáng kể từ bò lại không có gì quá bất ngờ nếu nhìn lại những chiến lược gần đây của HAG.
Giữa năm 2014, HAG bước vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt bằng cách nhập khẩu bò có trọng lượng từ 270-300 kg/con từ Úc và bắt đầu vỗ béo trong 6-8 tháng. Các cá thể bò sẽ được đưa vào tiêu thụ khi trọng lượng đạt trên 500 kg.
Để đáp ứng nhu cầu thức ăn thô cho bò, HAG đã dành ra quỹ đất 13.645 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia để trồng cỏ với hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau 2 tháng chăm sóc, mỗi ha có thể cung cấp 500 tấn cỏ mỗi năm. Công ty canh tác từ 5-6 vụ như vậy trong một năm.
Qua tìm hiểu, chi phí đầu tư cơ bản bao gồm mua đất và khai hoang, làm đất, trồng cỏ, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mua cỏ giống... của HAG ước tính khoảng 255,4 triệu đồng/ha. Các hạng mục đầu tư này được phân bổ khấu hao trong 8 năm, riêng chi phí mua đất chiếm 75% chi phí kiến thiết ban đầu được phân bổ trong 25 năm. Các chi phí hoạt động ước tính khoảng 66 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, lớn nhất là chi phí phân bón, nhiên liệu và nhân công, chiếm khoảng 70% chi phí hoạt động.
Với quỹ đất rộng lớn cùng chi phí thuê hằng năm tương đối cạnh tranh, HAG đã nhanh chóng thi công xây dựng chuồng trại nuôi bò với mật độ 300 con/chuồng. Mỗi chuồng có diện tích 3.000 m2 với chi phí đầu tư xấp xỉ 2,7 tỉ đồng, tương đương đơn giá xây dựng 897.000 đồng/m2.
Theo HAG, tính đến tháng 6.2015, Công ty đã nhập khẩu 86.700 con bò về các trang trại. Trong đó, lượng bò nuôi để sinh sản, tạo ra nguồn bò thịt trong tương lai mới chỉ chiếm xấp xỉ 10% số lượng bò. Còn lại là bò thịt để nuôi vỗ béo, dự kiến sẽ được tiêu thụ hết trong năm 2015.
“Năm nay HAG đã nhập 200.000 con bò và đưa ra thị trường hơn 80.000 con bò thịt. Nếu có đưa ra thị trường 300.000 con bò trong năm 2016 thì HAG cũng không đủ lượng thịt bò đáp ứng cho thị trường. Tính trên đầu người Việt Nam hiện nay, mỗi năm một người Việt chỉ ăn có 6,5 kg thịt bò, kém cả người Lào ăn hơn 8 kg”, ông Đức nói trong buổi roadshow vừa qua.
Rõ ràng, tiềm năng tiêu thụ thịt bò trong nước là cơ sở để bầu Đức có thể mạnh miệng tuyên bố như vậy. Theo tính toán của Công ty Vissan, mỗi ngày, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong cả nước là 3.000-4.000 con. Tuy nhiên, do lượng bò trong nước không đủ cung cấp nên mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1 triệu con bò.
Vì thế, tiềm năng của thị trường tiêu thụ thịt bò trong nước là rất lớn. Với điều kiện thuận lợi, khả năng chăn nuôi đàn bò với số lượng lớn của HAG cũng không có gì để nghi ngờ. Nhưng vấn đề lớn nhất chưa được ai bàn đến là HAG đã đưa lượng bò thịt của mình ra thị trường bằng cách nào?
Theo tính toán sơ bộ, với mỗi con bò thịt lúc xuất bán có trọng lượng 500 kg và giá bán bò hơi hiện tại là khoảng 70.000 đồng/kg, để tạo được doanh thu là 766 tỉ đồng, HAG sẽ phải bán được ít nhất là hơn 21.000 con bò thịt.
Hồi đầu năm nay, HAG đã cùng với Vissan ra mắt dòng sản phẩm thịt bò tơ Úc tươi sống của HAG. Tuy nhiên, trao đổi với NCÐT, Tổng Giám đốc Văn Đức Mười của Vissan cho biết sau lô hàng phục vụ Tết, Vissan đã không còn nhập bò của HAG từ tháng 2.2015 đến nay.
Vissan được xem là một đầu mối quan trọng giúp HAG tiêu thụ thịt bò ở thị trường trong nước. Do đó, việc gián đoạn hợp tác này đặt ra dấu hỏi liệu bò của HAG đã tiến ra thị trường bằng cách nào?
Trả lời NCÐT qua điện thoại về việc bò của HAG được tiêu thụ ở đâu, ông Đoàn Nguyên Đức cho hay hiện bò của Công ty được nuôi ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia, nên bò ở đâu sẽ được bán ở đó. Còn theo một nguồn tin của người viết, phần lớn bò của HAG bán trong thời gian qua chủ yếu là ở Lào qua các đối tác địa phương.
Thông tin này khá trùng khớp với công bố của ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAG, trước đó. Hồi đầu tháng 7.2015, ông Sơn cho biết trong quý II, HAG đã xuất bán được 18.000 con bò từ dự án ở Lào. Trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ xuất bán 60.000 con, dự kiến lợi nhuận trên 800 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, việc bán bò sẽ góp tổng cộng khoảng 900 tỉ đồng vào lợi nhuận năm 2015 của HAG.
Với thị trường trong nước, bầu Đức không chia sẻ về việc hợp tác với Vissan, nhưng ông cho biết Vissan cũng chỉ là một trong số nhiều khách hàng tiêu thụ bò của HAG. Theo ông, số lượng bò hiện tại cần bán là rất lớn nên HAG phải bán tại các địa phương khác như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Lâm Đồng... mới hết.
“HAG đang xây dựng hệ thống chuồng trại trung chuyển ở Long An và Tiền Giang để cung cấp cho các lò mổ tư nhân tại đây. Công ty đang cung cấp khoảng 300 con bò Úc mỗi ngày cho 2 lò mổ lớn nhất của khu vực này”, ông Ðức nói.
Nguyễn Hùng