Nhiều tập đoàn lớn sẽ do "siêu ủy ban" quản lý. Ảnh zing.vn
Ai đủ tiêu chuẩn vào "siêu Ủy ban"?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hôm 11.2, đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về kiện toàn bộ máy và lựa chọn nhân sự.
Sau thời gian 5 năm chuẩn bị cho việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc các bộ ngành đã bàn giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về Uỷ ban này trong năm 2018 chỉ là bước đầu.
Thêm nữa, việc tuyển dụng nhân sự, với các tiêu chí chung chung, như trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm, trên thực tế đã không còn phù hợp, đặc biệt là với Ủy Ban, đơn vị quản lý tổng giá trị vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước lên tới khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cho biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, một cơ quan thuộc của Chính phủ, nhưng nó hoàn toàn khác các cơ quan quản lý hành chính và không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nếu áp dụng cơ chế của một cơ quan quản lý nhà nước cho Ủy ban này có thể dẫn đến không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Người đứng đầu CIEM cho rằng Ủy ban này cần một cách thức tổ chức mới trong lựa chọn nhân sự, đánh giá năng lực cán bộ để thực hiện chức năng chủ sở hữu và vai trò như một nhà đầu tư.
Cuối quý I/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ công bố Sách trắng về thực trạng doanh nghiệp năm 2018, trong đó có nội dung so sánh hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách. |
Ban lãnh đạo Ủy ban đã hoàn tất, với chủ tịch là ông Nguyễn Hoàng Anh và 3 phó chủ tịch. Ông Cung nói, cần thay đổi cách lựa chọn nhân sự với hơn 100 cán bộ còn lại. Các tiêu chuẩn tuyển dụng phải theo yêu cầu của thị trường, quy tắc của đầu tư và kinh doanh, không phải áp dụng nguyên tắc của quản lý nhà nước.
Hiện nay, nước ta đang lựa chọn nhân sự bằng cách đưa ra yêu cầu chuyển người từ đơn vị này hay đơn vị kia, nên không chọn được người phù hợp nhất. Thêm nữa, hệ thống công chức nước ta là làm theo quy định, làm đúng quy trình và điều này, sẽ không tạo ra được sáng tạo hay đổi mới.
Trong khi đó, nhân sự cho Ủy ban này không như các bộ ngành khác là chỉ làm công việc quản lý nhà nước. Nhân sự của Ủy ban sẽ bị sa thải do không hoàn thành nhiệm vụ, có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí họ có thể tự nghỉ việc khi thấy cơ chế không phù hợp.
Muốn vậy, nhân sự của Ủy ban này phải được lựa chọn từ doanh nghiệp, có thể từ doanh nghiệp tư nhân, đó là những người hiểu biết về công việc kinh doanh. Việc áp dụng các quy tắc lựa chọn nhân sự của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước vào cơ quan này sẽ không mang lại hiệu quả.
Điều kiện để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là ngừng áp đặt những quy định về quản lý đối với công chức, viên chức và không đánh giá nhân sự cơ quan này theo cách thức như nhân sự các cơ quan hành chính hiện nay.
Người đứng đầu CIEM tin rằng hoạt động của Ủy ban này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn với cách làm mới, đó là khi Nhà nước không áp dụng công thức tuyển dụng mấy chục triệu/năm của công chức hiện nay cho các nhân sự Ủy ban.
TS. Nguyễn Đình Cung. |
Thành lập Ủy ban theo Nghị quyết 09/NQ-CP, Chính phủ kỳ vọng có sự khác biệt trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước, tăng trưởng kinh tế.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lợi, lưu ý, trong môi trường quản lý yếu kém, việc tập trung sức mạnh các các doanh nghiệp nhà nước lớn và quan trọng trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức cũng có thể làm gia tăng rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các đơn vị.
Từ kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, Tiến sĩ Lợi cho rằng, mục tiêu hàng đầu phải là phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.