Ai đang bán cổ phiếu Eximbank?
Trong bối cảnh ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - mã EIB) sẽ có thay đổi về nhân sự cấp cao cũng như tình hình hoạt động, trên thị trường giao dịch cổ phiếu Eximbank có những biến động giao dịch lô lớn, gây những dấu hỏi cho nhà đầu tư.
Tính tổng số lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận lô lớn trên 10 triệu đơn vị từ đầu năm 2015 đến ngày 31/8 đã có trên 231 triệu cổ phiếu, chiếm 18,7% vốn điều lệ, tính theo giá thị trường khoảng 2.853 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong ngày 10 ngày đầu tháng 7/2015, trước thềm đại hội đồng cổ đông của Eximbank đã có 56 triệu cổ phiếu Eximbank giao dịch, trị giá 746 tỷ đồng, tương đương 4,53% vốn điều lệ của Eximbank.
Cụ thể, ngày 10/7, đã có một phiên giao dịch thỏa thuận lô lớn tới 40 triệu cổ phiếu Eximbank, giá trị giao dịch đạt 524 tỷ đồng. Trước đó 1 tuần, liên tục từ ngày 30/6 - 3/7/2015 có trên 16 triệu cổ phiếu Eximbank được khớp lệnh thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch trên 222 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay trong tháng 1/2015 đã có tổng 99,4 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận (khoảng 8% vốn điều lệ Eximbank), trị giá 1.376 tỷ đồng, chiếm đến gần ½ khối lượng cổ phiếu thỏa thuận từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý là trong 2 phiên liên tiếp vào ngày 23/1 lô giao dịch thỏa thuận lớn tới 60 triệu cổ phiếu, trị giá 781 tỷ đồng và ngày 26/1 thỏa thuận tới 35 triệu cổ phiếu, trị giá 456 tỷ đồng.
Những nghi vấn về việc thâu tóm Eximbank đã hé mở. Nhưng đến nay lượng giao dịch khủng cổ phiếu Eximbank vẫn chưa dừng, ai đã bán ra lượng lớn cổ phiếu Eximbank từ đầu năm đến nay khiến danh sách nhân sự cấp cao của ngân hàng này vẫn chưa thể chốt?
Hiện cơ cấu cổ đông của Eximbank có 2 cổ đông lớn là ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) nắm 8,19% và ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC – Nhật Bản) nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank, theo báo cáo thường niên 2014 của Eximbank.
Tỷ lệ cổ phần của Vietcombank và SMBC vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, và Vietcombank cũng mới tuyên bố vẫn giữ nguyên vốn tại Eximbank.
Ngược thời gian trở lại năm 2012, có những điểm nhấn quan trọng trong giao dịch cổ phiếu thỏa thuận của Eximbank, trong vòng khoảng một tháng từ ngày 12/10/2012 đến ngày 12/11/2012, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận là 122 triệu cổ phiếu, trị giá trên 2.159 tỷ đồng.
Trước đó, riêng trong tháng 6/2012 đã có 80 triệu cổ phiếu (khoảng 1.372 tỷ đồng) được giao dịch thỏa thuận thành 2 lô lớn, 60 triệu cổ phiếu (ngày 4/6) và 20 triệu cổ phiếu (ngày 13/6).
Vụ giao dịch thỏa thuận lô lớn cổ phiếu Eximbank năm 2012 được cho là của một cá nhân liên quan đến ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Năm 2012 cũng là năm nhóm cổ đông liên quan đến ngân hàng Eximbank công bố đã mua đến 9,73% cổ phần của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Điều này khiến vòng quay sở hữu cổ phiếu giữa các cá nhân liên quan đến các ngân hàng với nhau đã tạo thành sở hữu chéo.
Có thể đến nay, theo Thông tư 06/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước buộc các tổ chức, cá nhân có tỷ lệ sở hữu vượt quy định phải thoái vốn trước 31/12/2015, nếu không sẽ bị xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Vụ thoái vốn tháng 7/2015 được cho là của một số cá nhân liên quan đến Eximbank.
Hiện vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng. Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành 1.229 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu quỹ 6 triệu cổ phiếu.
Giá cổ phiếu Eximbank trên đà lao dốc sau ngày đại hội cổ đông thường niên 21/7/2015 khi giá ở mức 14.100 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc tháng 8/2015, giá cổ phiếu Eximbank giảm mạnh tới 4,1% trong phiên giao dịch ngày 31/8, còn 11.600 đồng/cổ phiếu so với mức giá 12.100 đồng/cổ phiếu phiên liền trước vào ngày 28/8, và giảm 17% so với ngày 21/7.
Nguồn Bizlive