Ai bảo lợi tức tiết kiệm thấp?
Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (từ 1 đến dưới 12 tháng) đã được các ngân hàng hạ xuống cao nhất là 7,5%/năm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, lượng tiền gửi vẫn chảy vào ngân hàng.
Điều đó đã phần nào minh chứng cho câu nói của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với các DN tỉnh Bình Dương: “Nắm giữ tiền đồng hiện nay hấp dẫn nhất, không phải tôi làm ngân hàng mà nói vậy”.
Ông phân tích, NHNN đảm bảo tỷ giá năm 2013 không tăng quá 2%, với lãi suất huy động ngoại tệ chỉ là 2%/năm, nếu cầm USD lợi nhuận tối đa thu được chỉ 4%. Trong khi lãi suất tiền gửi VND ở mức 7,5%/năm, rõ ràng nắm giữ VND có lợi hơn.
Lãi suất đã giảm về tương đương với giai đoạn (2005-2006), lạm phát cũng đã giảm tốc, CPI tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước. Người đứng đầu ngành Ngân hàng tính toán: “Nếu những tháng tới, CPI bình quân mỗi tháng tăng 0,4% sẽ càng cũng cố giá trị tiền đồng”.
Lãi suất huy động trong những năm gần đây luôn thực dương với lạm phát. Nếu năm 2012 lạm phát 6,81% thì lãi suất tiết kiệm trong các ngân hàng đã ở mức 8%/năm thời điểm cuối năm đó. Hầu hết các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sinh lời rất thấp. Trong 3 tháng đầu năm 2013 đều được ký với mức lãi suất 8%/năm, gần đây các ngân hàng mới bắt đầu ký hợp đồng tiền gửi với lãi suất từ 7,5%/năm trở xuống.
Trong khi đó, đầu năm 2013 Chính phủ yêu cầu lạm phát năm 2013 phải thấp hơn năm 2012 (6,81%), giả dụ lạm phát năm 2013 là 6% thì lãi suất tiền gửi ngân hàng thực dương so với lạm phát được 1,5%.
Trong khi đó, các kênh đầu tư khác hiện nay hoặc là rất rủi ro hoặc là khả năng sinh lời rất thấp. Đơn cử thị trường nhà đất đang nít thở chờ Chính phủ giải cứu, thị trường vàng sau khi có công cụ đấu thầu giá vàng không có cơ hội tăng nhanh giảm chậm, chứng khoán không phải người dân nào cũng có thể tham gia đầu tư.
Ở những nước có thị trường vốn phát triển thì việc lãi suất tiền gửi ngân hàng không phải là vấn đề lớn đối với người cầm nội tệ, người cao tuổi có các quỹ hưu trí đưa ra các sản phẩm huy động tiết kiệm, phần lớn tiền bạc trong xã hội do thị trường vốn luân chuyển vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển, nên tiền nhàn rỗi của xã hội vẫn do hệ thống ngân hàng thu hút và đầu tư trở lại nền kinh tế.
Vì thế tiết kiệm ngân hàng tại Việt Nam lâu nay vẫn là kênh đầu tư quan trọng nhất của đại bộ phận dân chúng, người Việt coi gửi đồng nội tệ trong ngân hàng không đơn thuần là tiết kiệm mà còn là một kênh đầu tư. Chỉ khi thị trường chứng khoán phát huy tốt vai trò của mình lúc đó lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng mới không còn ý nghĩa nhiều trong dân cư như hiện nay.
Lợi tức từ tiền gửi VND hiện nay có thể xem là thấp hơn so với một vài năm gần nhất, nếu lấy lãi suất huy động danh nghĩa thời điểm cao nhất năm 2011 là 14%/năm nhưng cũng không bù đắp nổi lạm phát năm đó ở mức 18,3%, nhưng thời điểm đó người có tiền có nhiều kênh đầu tư lựa chọn.
Người dân chỉ chạy sang cầm giữ ngoại tệ khi kỳ vọng tỷ giá tăng, chứ thực tế lãi suất tiền gửi của USD gần nhưng không màng tới, nhưng trong năm qua mặc dù NHNN cam kết tỷ giá tăng không quá 2-3% cuối cùng tăng không hết 1%. Từ đầu năm 2013 đến nay tỷ giá niêm yết của ngân hàng tăng không quá 0,8%, trong khi giá USD tiền mặt tăng khoảng 1% sau đó rất bấp bênh.
Tỷ giá trong quan hệ giữa VND/USD hiện nay chỉ có thể là sân chơi lướt sóng của các TCTD, nhưng sẽ không dễ kiếm tiền từ khoảng cách chênh lệch giá hiện nay. Trong khi đại đa số người dân với những khoản tiền gửi vài chục triệu đồng đang phổ biến trong hệ thống ngân hàng rất khó có thể tìm kiếm lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác trong năm 2013.
(Theo TBNH)