Giao hàng bẳng xe tải nhỏ của AhaMove. Ảnh: QH.

 
Công Sang Thứ Năm | 25/04/2019 14:00

AhaMove đơn thương độc mã

Ahamove là đại diện còn lại của Việt Nam trong lĩnh vực giao hàng tức thời.

Thay đổi bộ máy điều hành trong bối cảnh Grab công bố gọi thêm vốn và mở rộng tầm ảnh hưởng dường như chưa phải là sự lo lắng lớn nhất của AhaMove - đơn vị giao hàng theo mô hình tức thời của Scommerce. Bởi vì, không lâu sau quyết định thay đổi Giám đốc Điều hành của AhaMove, Grab công bố sẽ gọi thêm 2 tỉ USD trong năm nay để gia tăng mức ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Từ doanh nghiệp gọi xe, Grab liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, hiện nay là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, thương mại điện tử và sắp tới là du lịch.

Tồn tại nhờ khác biệt

Dù phát triển đến đâu, cốt lõi trong sự mở rộng của Grab vẫn là lĩnh vực vận chuyển khách và giao hàng. Chính vì thế, dư luận đang quan tâm đến tương lai của AhaMove, doanh nghiệp Việt Nam còn lại trong lĩnh vực giao hàng tức thời. Nhất là trong bối cảnh Scommerce trước đó đã đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn LaLa Food, đơn vị sử dụng đội ngũ tài xế của AhaMove để làm dịch vụ giao thức ăn cho nhà hàng.

“Khác biệt trong mô hình giúp chúng tôi có dư địa để phát triển”, ông Phạm Hữu Ngôn, Giám đốc Điều hành AhaMove, kiêm Giám đốc Công nghệ Scommerce, cho biết. Người đứng sau hai hệ thống LaLa Food và AhaMove cho rằng, dù cùng lĩnh vực giao hàng tức thời, giao từ tay người bán đến người mua, nhưng có sự khác biệt về khách hàng giữa hai mô hình này. Theo đó, trong khi khách hàng trực tiếp của GrabFood, Go Food hay Now là những người sử dụng đầu cuối thì tập khách hàng của AhaMove lại là doanh nghiệp. Có thể hiểu đơn giản, công ty này cung cấp dịch vụ giao hàng thuê ngoài bao gồm cả nhân sự và phần mềm quản lý cho doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến các hệ thống như LaLa Food sẽ tập trung để thu hút người sử dụng, tối ưu các chiến dịch quảng cáo và chi tiêu tiền sao cho hiệu quả. Mô hình này cần rất nhiều tiền để cạnh tranh vì quy mô lên đến hàng triệu người sử dụng. Vì thế khi Grab công bố kế hoạch gọi vốn mới, ít nhiều đơn vị cùng ngành phải dè chừng.

Ngược lại, với tập khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu giao hàng nội thành, ước tính hơn 100.000 doanh nghiệp, hệ thống AhaMove tập trung vào việc giúp doanh nghiệp tối ưu thời gian và chi phí giao hàng, quản lý dòng tiền COD thu về hằng ngày hay hệ thống tracking nhiều đơn hàng cùng lúc. Khách hàng của Công ty hiện là các chuỗi cửa hàng ăn uống lớn nhỏ, các cửa hàng bán lẻ và sàn thương mại điện tử.

AhaMove don thuong doc ma
 

Sự khác biệt trong tập khách hàng cũng dẫn đến sự khác biệt trong việc thu hút đối tượng tài xế, gồm xe tải (dưới 2 tấn) và xe máy. Nhóm tài xế của AhaMove thường ứng tiền trước để lấy hàng và thu lại từ phía người mua. Đây là yếu tố giúp các tài xế nghiêm túc trong việc giao hàng và giảm rủi ro cho người bán. Ngược lại bên cạnh tỉ lệ chia sẻ đơn hàng với AhaMove (Công ty thu 23,6%), tài xế có thể nhận được thêm 0,8% phí thu hộ cho các đơn hàng có giá trị ứng tiền lớn hơn 2 triệu đồng.

Điểm khác biệt lớn của các công ty như AhaMove nằm ở khả năng ghép đơn, tức trên cùng một tuyến đường, tài xế có thể giao nhiều món hàng để tăng thu nhập điều mà các đơn vị giao đồ ăn chưa thực hiện tốt.

Ông Ngôn cho biết, AhaMove có chính sách đền bù lên đến 3 triệu đồng cho các đơn hàng vận chuyển bằng xe máy và 10 triệu đồng cho các đơn xe tải, cho những đơn hàng cung cấp được hóa đơn chứng minh giá trị hàng hóa. Hiện có hơn 50.000 tài xế đăng ký hệ thống AhaMove, hơn 30% trong số đó là tài xế hoạt động thường xuyên.

Cuộc đua về thời gian

Có một quy tắc chung giữa các công ty do Seedcom đầu tư là chỉ sử dụng “đồ nhà” nếu đem lại hiệu quả. Điều này đồng nghĩa khi AhaMove chào mời dịch vụ với nhóm công ty khác của Seedcom, thậm chí là cùng Scommerce, cũng không có sự ưu đãi nào.

Chính vì thế, ông Ngôn nhìn nhận thời gian giao hàng và giá giao hàng nội thành đang có xu hướng giảm qua mỗi năm, đang là cơ hội và thách thức lớn nhất cho AhaMove.
Mức giá giao hàng nội thành của Viettel, GHN (Giao Hàng Nhanh) và Giao Hàng Tiết Kiệm hiện nay là 18.000 đồng, 19.000 đồng và 22.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian giao hàng có thể lên đến 24 tiếng. Nhóm giao hàng tức thời như Grab, tùy đoạn đường có mức phí trung bình thường từ 30.000 đồng trở lên.

AhaMove don thuong doc ma
 

“AhaMove sẽ có lợi thế khi giao hàng trong 2-6 tiếng nhưng có mức giá bằng các công ty giao hàng truyền thống”, ông Ngôn nói. Đây cũng là mục tiêu của Công ty trong năm nay. Vì thế, trong thời gian tới, AhaMove sẽ tích hợp sâu hơn với hệ thống của GHN. Tính đến hiện tại, GHN có khoảng 1.000 điểm giao nhận hàng ở các cửa hàng tiện lợi, điểm giao hàng do đơn vị này tự vận hành trên toàn quốc.

Việc kết hợp sẽ giúp các đơn hàng nội thành mua trên sàn thương mại điện tử thông qua GHN được giao nhanh hơn với mức phí không đổi, hoặc có tăng cũng không đáng kể. Về phía AhaMove, nhiều đơn hàng hơn sẽ giúp thu hút được tài xế thông qua hình thức ghép đơn.

Cuối cùng, AhaMove sẽ đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ giúp quản lý nâng cao chất lượng giao hàng. Ông Ngôn thừa nhận việc nắm rõ nhu cầu doanh nghiệp là yếu tố giúp AhaMove tồn tại và phát triển trong thời gian qua, nhưng không có gì đảm bảo nếu đối thủ tập trung xây dựng hệ thống tương tự trong thời gian tới, nhất là các đối thủ có tiềm lực tài chính.

“Để tồn tại, chúng tôi cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ để liên tục tối ưu tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông Ngôn nói.