Agribank mắc kẹt với khoản nợ vay 533 tỷ đồng tại Vạn Phát Hưng
Năm 2013, tổng doanh thu năm 2013 của CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) đạt 404 tỷ đồng, tăng 3.5 lần so với năm 2012, chủ yếu đến từ dự án La Casa. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 16.9 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ gần 6 tỷ đồng đã góp phần giúp lợi nhuận sau thuế đạt 13.5 tỷ đồng, gấp 2.4 lần so với năm 2012.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 6.2 tỷ đồng, giảm 10.7% so với năm 2012. Tuy vậy, kết quả hoạt động của VPH đã tích cực hơn khi lợi nhuận có sự đóng góp từ hoạt động kinh doanh chính, trong khi năm 2012 đến chủ yếu từ lợi nhuận khác.
Nhưng cũng cần để ý rằng kết quả kinh doanh này không cho thấy xu hướng khả quan trong hoạt động kinh doanh cũng như tài chính của công ty, khi việc bán và thu tiền đã được VPH thực hiện từ những năm trước. Có thể thấy rõ điều này khi khoản mục người mua trả tiền trước đã giảm mạnh trong năm 2013 từ 323 tỷ đồng xuống còn 122 tỷ đồng.
Tồn kho gần 1,500 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng tài sản – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho gia tăng. Tổng giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2013 của VPH là gần 1,500 tỷ đồng, tăng 3.6% so với cuối năm 2012 (tương ứng với 52.1 tỷ đồng). Mặc dù vậy, cũng cần để ý rằng mức tăng của hàng tồn kho trong năm 2013 có sự đóng góp của chi phí lãi vay được vốn hoá với 79.4 tỷ đồng. Hiện khoản mục hàng tồn kho chiếm đến 83.7% tổng giá trị tài sản của công ty.
Giá trị hàng tồn kho của VPH đang tập trung ở dự án: Khu phức hợp La Casa 743.5 tỷ đồng, Khu dân cư Nhơn Đức 461.3 tỷ đồng, dự án Quận 2 với 77.5 tỷ đồng, dự án Quận 9 với 76.2 tỷ đồng, Khu dân cư Phú Xuân 68.8 tỷ đồng, dự án Hiệp Phước 42.1 tỷ đồng, Khu dân cư Phú Mỹ mở rộng 13.6 tỷ đồng…
Đáng chú ý, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của VPH đã bắt đầu xuất hiện với giá trị 25.1 tỷ đồng, chiếm gần 1.7% tổng giá trị hàng tồn kho; và Khu phức hợp La Casa và Khu dân cư Nhơn Đức đã được thế chấp cho các khoản vay tại Agribank (xem thêm bên dưới).
Nợ vay gia tăng – Áp lực trả nợ ngắn hạn tiếp tục tăng cao trong năm 2014. Tổng nợ vay tính đến cuối năm 2013 của VPH là 692 tỷ đồng, tiếp tục tăng 16.4% so với năm 2012; trong đó bao gồm nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với 603 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 89 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy áp lực trả nợ gốc của VPH trong năm 2014 là khá lớn khi nợ vay ngắn hạn chiếm tới 87.1% tổng vốn vay.
Hiện các khoản nợ vay của VPH được tài trợ bởi:
· Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) các chi nhánh Chợ Lớn, Nam Sài Gòn và Thành Đô với tổng giá trị 533.5 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn phải thanh toán trong năm là gần 445 tỷ đồng. Hiện VPH đã thế chấp dự án Khu phức hợp La Casa và Khu dân cư Nhơn Đức (tổng giá trị theo sổ sách là 1,205 tỷ đồng) cho các khoản vay này.
· Các cá nhân với 133.4 tỷ đồng (lãi suất từ 12.72%-18.48%/năm).
· Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) 12 tỷ đồng.
· Công ty Bất động sản Việt Phú An với 10.8 tỷ đồng.
Tiền mặt vẫn đang cạn kiệt, chỉ còn vỏn vẹn 1.6 tỷ đồng. Hiện lượng tiền mặt của VPH chỉ còn vỏn vẹn 1.6 tỷ đồng, khá thấp so với quy mô hoạt động của công ty cũng như yêu cầu trả nợ vay ngắn hạn sẽ đáo hạn trong năm 2014.
Như vậy, hoạt động của VPH vẫn chưa có sự khởi sắc thực sự khi kết quả kinh doanh có được là thành quả từ những năm trước. Năm 2014 sẽ tiếp tục là năm khó khăn của VPH khi áp lực trả nợ vay tăng cao, khi các khoản vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn và lượng tiền mặt của công ty còn lại là khá ít.
Về phía chủ nợ Agribank, việc thu hồi các khoản nợ vay tiếp tục gặp khó khăn khi dòng tiền của doanh nghiệp yếu và thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.
Nguồn Vietstock