AGF có thể sẽ bị hủy niên yết nếu thời gian tới không đạt được lợi nhuận tốt

 
Thanh Hương Thứ Hai | 21/01/2019 08:44

AGF thoát án hủy niêm yết trong gang tấc

Thoát án hủy niêm yết, AGF đang tích cực lấy lại phong độ kinh doanh và đầy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Tài chính là bài toán giải quyết khó khăn cho AGF

Báo cáo Tài chính kiểm toán 2018 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Mã chứng khoán: AGF) cho kỳ kế toán từ ngày 1.10.2017 và kết thúc ngày 30.9.2018 cho thấy Công ty lỗ ròng 178,1 tỉ đồng và là năm thứ 2 liên tiếp lỗ ròng.

Trước đó, theo Báo cáo Tài chính quý IV/2018 của Công ty thì lỗ lũy kế tại ngày 30.9.2018 lên tới 282.2 tỉ đồng lớn hơn vốn điều lệ thực góp là 281 tỉ đồng. Vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã ra quyết định đưa cổ phiếu AGF ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch và chuyển sang diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 21.11.2018 và có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tuy nhiên, với con số được điều chỉnh lại sau kiểm toán (270,4 tỉ đồng), Công ty đã tránh được việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Song, Công ty vẫn ghi nhận về khoản lỗ ròng trong năm tài chính kết thúc ngày 30.9.2018 là 178,1 tỉ đồng và khoản lỗ lũy kế tại ngày này là 270,4 tỉ đồng và có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại một ngân hàng thương mại.

Các điều kiện này được kiểm toán nhấn mạnh cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của Công ty phụ thuộc vào khả năng Công ty sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như sự hỗ trợ về mặt tài chính tại các tổ chức tín dụng.

AGF thoat an huy niem yet trong gang tac
 

Lên kế hoạch cho 2019

Khó khăn tài chính Agifish phải tính đến phương án bán công cụ sản xuất, trong khi thị trường cá tra được dự báo có nhiều thuận lợi trong năm 2019.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Agifish báo lỗ lớn. Năm 2017, công ty này đã từng gây bất ngờ khi công bố lỗ 187 tỉ đồng sau kiểm toán, mặc dù trước đó đã báo lãi 4 tỉ đồng trong Báo cáo Tài chính tự lập.

Ban Giám đốc đã lập kế hoạch về lợi nhuận và dòng tiền trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh của Công ty cũng như khả năng tiếp tục nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tín dụng mà theo đó Công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo.

Song song đó, công ty mẹ là Công ty Cổ phần Hùng Vương cũng cam kết tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết để đảm bảo Công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động cho 12 tháng tiếp theo mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào.

Trong khoản mục nợ phải trả của Công ty là 805,5 tỉ đồng thì nợ ngắn hạn là 787,1 tỉ đồng chiếm 97.7% nợ phải trả và vay ngắn hạn là 551 tỉ đồng chiếm 68.4% nợ phải trả.

Công ty có 1 khoản vay ngân hàng quá hạn chưa thanh toán tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hồ Chí Minh với số tiền gốc là 152,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại ngày lập báo cáo tài chính này, Công ty đã thanh toán các khoản vay đến hạn phải trả tại BIDV.

Theo báo cáo tài chính quý, Agifish liên tục bán hàng dưới giá vốn trong 2 quý đầu năm 2018. Nửa cuối năm 2018, tình trạng này mới chấm dứt, nhưng doanh thu quý III và quý IV/2018 của Agifish lại tụt giảm thê thảm.

Vào ngày 3.1.2019, Hội đồng Quản trị của Công ty đã thông qua phương án bán 2 nhà máy đông lạnh AGF8, AGF9 và 2 vùng nuôi nguyên liệu ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp để trả nợ ngân hàng và bổ sung vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Tổng tài sản của Công ty cũng giảm đáng kể, đến 30.9.2018 là 1,229 tỉ đồng giảm 843 tỉ đồng tương ứng với 40.6% so với đầu năm.