Thứ Ba | 01/04/2014 18:54

ADB: Thu hút đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng

Chừng nào Việt Nam còn chưa thiết lập được uy tín về PPP thì chính phủ có thể vẫn cần cung cấp hỗ trợ hoặc bảo lãnh tín dụng, ADB nhận định.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura lưu ý rằng thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt là cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Theo ADB, thu hút đầu tư tư nhân, mà chủ yếu thông qua cơ chế đối tác nhà nước - tư nhân (PPP), có thể đóng góp rất nhiều vào việc huy động vốn cho các dự án, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận được với kiến thức chuyên môn và công nghệ quốc tế, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng xã hội và vật chất.

Cho đến nay đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế, ADB nhận định. Nguyên nhân đầu tiên là khung pháp lý hiện hành không đủ hấp dẫn để tạo điều kiện cho các giao dịch PPP. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đã thiết lập cách làm riêng của mình trong các dự án BOT - loại hình dự án PPP được ưa chuộng ở Việt Nam - mà những cách làm đó lại không phù hợp với các cách làm chuẩn mực của quốc tế. Phần lớn các dự án kiểu này không được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia ADB, chất lượng của hạ tầng cơ sở ở Việt Nam tụt hậu so với phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á. Việt Nam cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước giao thông trong giai đoạn 2011 - 2020. Ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu này. Chi đầu tư của chính phủ bị hạn chế bởi tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên - trong giai đoạn 2010 - 2013 thâm hụt ngân sách bình quân khoảng 5% GDP.

Khu vực tư nhân đánh giá quy trình đấu thầu và đàm phán PPP của Việt Nam là tốn thời gian và không thể tiên liệu, ADB cho biết. Ngoài ra, còn có những quan ngại về chất lượng của các nghiên cứu khả thi PPP.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, trong năm 2012 chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về PPP, do 1 Phó Thủ tướng chủ trì. Ban chỉ đạo đóng vai trò tham mưu cho chính phủ chứ không phải là cơ quan phê duyệt các dự án PPP. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã thành lập một văn phòng PPP với chức năng điều phối cấp trung ương các dự án PPP.

Dự kiến nghị định nhằm cải thiện khung pháp lý cho PPP sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, luật đấu thầu mới điều chỉnh quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2014.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB cho rằng, tính khả thi tài chính của một số dự án hạ tầng cần được tăng cường do biểu giá dịch vụ mà người dân phải trả thấp - ví dụ giao thông đô thị, xử lý nước thải, vệ sinh và năng lượng tái tạo. Trong trường hợp đó, chính phủ có thể cân nhắc các phương án đóng góp bằng tiền. Những hỗ trợ này phải có ràng buộc về thời gian và đúng mục tiêu, và phải dựa trên các chính sách rõ ràng của chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã tuyên bố - ví dụ, các mục tiêu về môi trường hay bình đẳng xã hội.

Trong khi các cơ quan chức năng đã cam kết tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư để cạnh tranh giành cơ hội tham gia PPP, khu vực tư nhân vẫn quan ngại về sự minh bạch trong đấu thầu và khả năng của các DNNN trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hoặc có chỉ đạo của Nhà nước. Một sân chơi bình đẳng đòi hỏi phải có những tiến bộ trong quá trình cải cách DNNN, trong đó có việc tăng cường quản trị doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo sự rõ ràng và nhất quán trong các chính sách liên quan đến sự tham gia của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, trong đó có tham gia đầu tư theo phương thức PPP, và chính phủ phải tiếp tục quan tâm giải quyết những hạn chế mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi tham gia PPP.

Hơn thế nữa, còn phải phát triển hệ thống tài chính trong nước để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng thông qua các khoản vay ngân hàng và các thị trường nợ, ADB khuyến nghị. Độ sâu của thị trường vốn Việt Nam vẫn kém hơn so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Các ngân hàng nước ngoài có thể là một nguồn tiềm năng cung cấp vốn vay trung và dài hạn bằng ngoại tệ, nhưng đòi hỏi phải có các sản phẩm tăng cường tín dụng và bảo lãnh, như bảo lãnh của các cơ quan tín dụng xuất khẩu.

Chừng nào Việt Nam còn chưa thiết lập được uy tín về PPP thì chính phủ có thể vẫn cần cung cấp các sản phẩm tăng cường tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng, ADB nhận định.

Về cải cách DNNN, chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015. Mục tiêu đó có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011 - 2013 chỉ có 99 DNNN được cổ phần hóa.

dnnn

Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2013 tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, phần nào gây thất vọng đối với các tổ chức kinh tế và một số chủ thể khác đang kỳ vọng vai trò của khu vực tư nhân sẽ được công nhận rõ ràng hơn trong Hiến pháp mới. Trong một quyết định nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý của các DNNN, chính phủ cũng đã thông qua luật đấu thầu mới, mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả các DNNN.

Nguồn Dân Việt/ADB


Sự kiện