Thứ Năm | 22/11/2012 09:51

ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng mạnh nhất trong các nền kinh tế Đông Á mới nổi

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng lượng trái phiếu của Việt Nam đang lưu hành trị giá 21 tỷ USD, tăng 21,4% so với thời điểm cuối tháng 9 năm 2011.
Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á (Asia Bond Monitor) mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, tỷ suất sinh lợi trái phiếu ở hầu hết các nền kinh tế giảm trong quý III, trong bối cảnh lạm phát tăng vừa phải, tăng trưởng kinh tế tốt và nhu cầu của các nhà đầu tư vững chắc.

Trung Quốc là ngoại lệ khi mà các mối quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút và lạm phát gia tăng đẩy tỷ suất sinh lợi trái phiếu tăng cao hơn.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu khu vực tiếp tục phân hóa về tốc độ tăng trưởng, khối lượng phát hành và tỷ suất sinh lợi.

Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng mạnh nhất

Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực đang có tổng giá trị là 6,2 nghìn tỷ USD, tăng 3,5% so với cuối tháng 6 năm 2012 và tăng 11% so với cuối tháng 9 năm 2011. Trái phiếu Chính phủ vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành là 4,1 nghìn tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 3,1% so với thời điểm cuối tháng 6.

Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á mới nổi trong quý III năm 2012. Tại thời điểm cuối tháng 9, lượng trái phiếu của Việt Nam đang lưu hành có tổng giá trị 21 tỷ USD, tăng 21,4% so với thời điểm cuối tháng 9 năm 2011.

Tuy nhiên, nếu so sánh với quý trước, thị trường đã giảm 2,7% do tổng giá trị trái phiếu Chính phủ và trái phiếu công ty tại thời điểm cuối tháng 9 đều thấp hơn tại thời điểm cuối tháng 6.

Mức suy giảm trong quý của giá trị trái phiếu Chính phủ có nguyên nhân từ việc giá trị tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành giảm 62%. Song, các thị trường tín phiếu và trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn do Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi các chính sách kích thích tài khóa để khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến xuất khẩu.

Các thị trường trái phiếu công ty tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các thị trường trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị lưu hành đạt 2,2 nghìn tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 4,2% so với cuối tháng 6.

Tổng giá trị trái phiếu phát hành trong quý III có sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế, với tổng lượng phát hành trái phiếu tăng 38,1% tại Malaysia, 13% tại Philipines và 10,5% tại Trung Quốc, trong khi giảm đến 81,3% tại Việt Nam, 25,9% tại Hồng Kông (Trung Quốc) và 8,1% tại Thái Lan.

Khảo sát về độ thanh khoản hàng năm trong báo cáo cho thấy xét chung cả khu vực, tính thanh khoản của cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty đều có dấu hiệu tích cực. Khảo sát cũng cho thấy sự đa dạng của nhà đầu tư, mức độ sẵn sàng của các công cụ tự bảo hiểm và tính minh bạch là những vấn đề then chốt giúp thúc đẩy hoạt động tại các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi.

Vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Báo cáo cũng cảnh báo, mặc dù các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi đang tiếp tục mở rộng và vận hành tốt nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Iwan Azis, Chánh Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, phát biểu: “Hiện có một số rủi ro bất lợi đối với các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. Hoa Kỳ có thể chạm tới tình trạng “bờ vực tài khóa” và đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại. Các mối đe dọa tiềm tàng khác bao gồm dòng vốn đổ vào khu vực biến động đột ngột và lạm phát tăng cao.”

Tác động lan tỏa từ sự biến động của các thị trường tài chính phát triển đến thị trường trái phiếu khu vực cũng là một rủi ro lớn.

Báo cáo cho thấy các cú sốc và biến động từ bên ngoài đang gia tăng sự lan truyền giữa các thị trường trong nước và giữa các thị trường trong khu vực Châu Á, khi mà các thị trường này mở rộng và phạm vi ảnh hưởng của chúng gia tăng. Điều này hàm ý rằng các nhà quản lý ở khu vực Châu Á cần phải giám sát và phối hợp các chính sách thị trường ở tầm quốc gia cũng như ở tầm khu vực và toàn cầu.

Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á đánh giá hoạt động của các thị trường trái phiếu tại Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nguồn Khampha


Sự kiện