ADB: Rủi ro kinh tế Việt Nam xoay quanh hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu
Theo báo cáo Triển vọng châu Á 2013 được ADB công bố ngày hôm nay (9/4), rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam xoay quanh sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu. Vấn đề nợ xấu bắt đầu lan rộng sang thị trường tiền tệ liên ngân hàng từ cuối năm 2011, khi một số ngân hàng không thể thu hồi vốn đã cho vay đối với các ngân hàng nhỏ hơn có tỷ lệ nợ xấu cao.
Ngân hàng Nhà nước năm ngoái đã có động thái phản ứng bằng cách hạn chế các ngân hàng thương mại có nợ liên ngân hàng quá hạn hơn 10 ngày không được tiếp tục vay trên thị trường liên ngân hàng bên cạnh các biện pháp khác. Những biện pháp này giảm được rủi ro giao dịch liên ngân hàng nhưng đồng thời hạn chế thị trường hoạt động. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế này.
Theo ADB, một báo cáo đánh giá ngành tài chính do Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới thực hiện với sự động ý của Chính phủ sẽ được hoàn thành trong năm nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã đưa ra quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và báo cáo về tình hình phân loại nợ vào tháng 6/2013.
Tuy nhiên, theo ADB việc tuân thủ có thể mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến, vì các ngân hàng cần phải nâng cấp hệ thống kế toán của họ. Chức năng thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải được tăng cường để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.
"Tiến bộ trong việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng hay giải quyết nợ xấu rất hạn chế. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 13,6% trong tháng 1/2013 so với tháng 4/2012. Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức sàn 9% theo quy định của cơ quan quản lý, song trạng thái vốn của các ngân hàng có thể yếu hơn so với báo cáo nếu họ đánh giá chưa đầu đủ mức độ nợ xấu và không trích lập đủ dự phòng", báo cáo nêu rõ.
VAMC cần tham gia sâu vào tái cơ cấu ngân hàng
Theo đánh giá của ADB, việc làm sạch bảng cân đối tài sản của ngân hàng thương mại sẽ mở đường cho việc tăng cường mạnh mẽ hoạt động tín dụng. Nhận thức rõ về điều này, Ngân hàng Nhà nước dự định thành lập một công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, theo ADB việc đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của kế hoạch này, cũng như một quá trình định giá tài sản minh bạch và một hành lang pháp lý về phá sản với năng lực xử lý nợ xấu được cải thiện.
Về dự định thành lập VAMC, ADB cũng cho rằng, điều quan trọng ở đây là phải chuyển nợ xấu, định giá nợ xấu nhưng đồng thời khi công ty quản lý nợ trở thành chủ nợ thì công ty này cũng phải tham gia sâu vào vào việc tái cơ cấu.
Đánh giá về sự quan của các nhà đầu tư đến việc mua bán nợ xấu, đại diện ADB cho biết, trên quan điểm cá nhân ông cho rằng nếu có lãi thì sẽ có nhà đầu tư tham gia. Nhưng việc này không tác động gì nhiều, mà tốt hơn cả thì các doanh nghiệp cần tìm nhà đầu tư chiến lược.
ADB cũng cho rằng sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt.
Về vấn đề này, trong tháng 1/2013 Chính phủ đã công bố một gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất, hoãn nộp phí sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp tinh giản quy trình cấp giấy phép xây dựng.
Về gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng dự kiến dành cho bất động sản, ADB cho rằng gói cứu trợ này đã đi đúng hướng khi tập trung vào đối tượng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên quy mô của gói này chưa đủ lớn để giải cứu thị trường.
Nguồn Dân Việt