ADB: Lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh trong quý III
Báo cáo Theo dõi Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, trong quý III, lợi suất của trái phiếu chính phủ Việt Nam bằng nội tệ ở tất cả các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh, trong khoảng từ 67 điểm cơ bản đến 212 điểm cơ bản. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm và 10 năm giảm xuống 197 điểm cơ bản từ mức 306 điểm cơ bản ghi nhận hồi cuối tháng 6.
Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ bằng VND (Nguồn: ADB) |
Xét về quy mô và thành phần của thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng dư nợ trái phiếu định giá bằng Việt Nam đồng tăng trong quý III lên 802,8 nghìn tỷ đồng (38 tỷ USD) nhờ thị trường trái phiếu chính phủ tăng mạnh.
Theo đó, dư nợ trái phiếu chính phủ Việt Nam là 791 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 9, tăng 1,9% so với quý II và tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành trong quý III đạt 229 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành 202 nghìn tỷ đồng trái phiếu, chiếm 90% tổng phát hành của quý III.
Tổng dư nợ trái phiếu chính phủ Việt Nam (Nguồn: ADB) |
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 11,82 nghìn tỷ đồng trong quý III.
Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bằng VND (Nguồn: Bloomberg/ADB) |
Theo ADB, kinh tế tăng tốc, lạm phát ở mức vừa phải và xếp hạng tín dụng được nâng lên mức B1 là 3 yếu tố chính đã kéo giảm chi phí đi vay tại Việt Nam.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III, sau khi đã tăng trưởng 5,4% trong quý II. Như vậy 9 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,6%, cao hơn mức 5,2% ghi nhận được trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã xuống thấp nhất hơn 5 năm ở 3,6% trong tháng 9 từ mức 4,3% ghi nhận được trong tháng 8.
Cùng với đó, ngày 29/7/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định. Đồng thời, mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam cũng được nâng từ mức B1 lên mức Ba2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.
Ngay sau đó trong tháng 9, Fitch cũng đánh tín hiệu có thể sẽ nâng mức tín nhiệm của Việt Nam trong 12 - 18 tháng tới lên mức BB- từ mức B+. Đây rõ ràng là tín hiệu rất tích cực đối với thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam.
Mặt khác, thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh một phần nhờ những chính sách và quy định mới của chính phủ, theo ADB. Ngày 17/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Sau đó ngày 6/9, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng công bố danh mục 223 mã cổ phiếu đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp, gồm mã cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sàn Hà Nội và TPHCM, trái phiếu chính phủ và trái phiếu có đảm bảo của chính phủ niêm yết trên sàn Hà Nội.
Nguồn DVO/ ADB