ADB lo ngại về sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam
Theo báo cáo này, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn còn bất ổn định, do 3 yếu tố chủ yếu là nợ xấu, rủi ro liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước và tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng.
Theo ADB, rủi ro trong nước tác động chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm. Tháng 7, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao hơn nhiều so với mức công bố chính thức là 4,5% vào cuối tháng 5, có thể sẽ gần mức 9%.
Một báo cáo được các chuyên gia tư vấn công bố trong tháng 9 trên trang web của Ủy ban kinh tế của Quốc hội ước tính chi phí ổn định lại hệ thống ngân hàng có thể là 12 - 14 tỷ USD (10 - 12% GDP).
Để xử lý nợ xấu, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ và yếu là một bước đi quan trọng. Các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét thành lập một công ty quản lý tài sản nhà nước để mua nợ xấu từ các ngân hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các khoản nợ xấu của khu vực tư nhân, nhưng theo các chuyên gia của ADB, chưa thấy đề xuất này đạt được tiến bộ rõ ràng.
Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm nay lên 14%, cao hơn nhiều so với mức 9% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ.
Ngoài ra, ADB cũng có quan ngại về mối liên kết giữa các ngân hàng, bao gồm cả sở hữu chéo và ngân hàng cho vay các công ty liên quan.
Nhận xét về quan hệ sở hữu chéo tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay, việc sở hữu chéo bản chất không phải là vấn đề xấu, khi mà một công ty muốn có quan hệ ổn định tại nhiều đơn vị khác. Trong hệ thống ngân hàng, tồn tại việc rất nhiều ngân hàng lớn sở hữu cổ phần tại các ngân hàng nhỏ và ngược lại. Khi đó, nếu ngân hàng nhỏ gặp khó khăn thì ngân hàng lớn có thể hỗ trợ về thanh khoản hoặc quản trị.
Tuy nhiên, theo ông Kimura, vấn đề ở chỗ việc sở hữu chéo tại Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý quy định cụ thể, khiến việc này chưa được giám sát rõ ràng.
Do vậy, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những điều hành rõ ràng, các ngân hàng cũng cần phải công bố thông tin minh bạch và giám sát việc sở hữu chéo.
Liên quan đến một số sự kiện bắt giữ và từ chức liên quan đến giám đốc điều hành của các doanh nghiệp Nhà nước và cán bộ ngân hàng cao cấp, ADB cho rằng việc này làm dấy lên quan ngại về quản trị doanh nghiệp, sức khỏe tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và năng lực trang trải các khoản nợ ngoài dự kiến của Chính phủ.
Nguồn Khampha